Hiển thị các bài đăng có nhãn Sự kiện. Hiển thị tất cả bài đăng
Lời khuyên từ Greenpeace
Qua quyển báo cáo về thảm họa mội trường biển gây ra bởi Formosa Steel Plant, tôi hiểu các bạn đã rất nỗ lực nhưng như vậy là chưa đủ. Các bạn mới chỉ chạy theo sự kiện và tác động vào bề nổi của tảng băng. Để thực hiện sứ mệnh của mình, các bạn nên thúc đẩy các hoạt động có chiều sâu vào hai điểm chính:
- Tác động mạnh mẽ vào hệ thống của chính phủ để thay đổi chính sách.
- Khơi dậy tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đứng trước một thảm họa môi trường kinh khủng như này mà chỉ có vài nghìn người xuống đường phản đối thì rõ là tình yêu thiên nhiên của người Việt chưa đủ lớn.
Hiện tại Greenpeace chưa đặt văn phòng tại Việt Nam nhưng chúng tôi rất quan tâm đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và sẵn lòng hỗ trợ các bạn về kiến thức cũng như những phương pháp đấu tranh để bảo vệ môi trường.
Báo cáo " Toàn cảnh thảm họa môi trường" đến với ngư dân miền Trung
Những ngày qua, một số đại diện của nhóm Green Trees đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An để trao tận tay báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” cho ngư dân - những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa này.
Đây là những đại diện cho hơn 10.000 thành viên của Green Trees, và cũng là đồng tác giả của báo cáo.
Tình hình môi trường ở các tỉnh miền Trung vẫn không có gì tiến triển. Mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà mới đây tuyên bố “biển đã sạch”, nhưng ngư dân không nhận thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Hàng chục chiếc ghe vẫn phủ vải nằm im trên bãi. Ngư dân gần như đã bỏ biển.
Ông Lê Xuân Thế (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, từ khi thảm họa xảy ra (được tính là từ ngày 6/4/2016), ông chỉ đi biển có… ba lần, mà đi là do quá nhớ biển, nhớ nghề, chứ không phải do còn hy vọng đánh bắt được cá.
Có vài ngư dân khác thỉnh thoảng cũng đi biển, nhưng số lượng hải sản đánh bắt được rất ít, theo ghi nhận của chúng tôi. Họ đã phải bắt đến cả cá con, mực con, điều này đe dọa khả năng phục hồi của các loại sinh vật biển. Ở trong một ghe, giữa lèo tèo vài con cá, chúng tôi đã trông thấy một cá mập con, dài chỉ chừng 60cm.
THỊ TRƯỜNG TÊ LIỆT
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất chưa phải là không còn hải sản để đánh bắt, mà là hải sản mang về hầu như không bán được vì không còn ai tiêu thụ. Cũng vấn có một số tư thương vẫn đến mua của bà con, nhưng họ ép giá rất mạnh. Ví dụ như ghẹ, trước khi có thảm họa, giá có thể lên tới 400.000 đến 500.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn trên dưới 100.000 đồng. Số hải sản đó được họ chuyển đi đâu sau khi mua và xử lý như thế nào, cũng không ai biết.
Nhìn bãi biển vắng tanh vắng ngắt và các mâm cơm không có cá, các thành viên của Green Trees hiểu rằng: Nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản ở các vùng biển một thời rất giàu tôm cá, nay đã chết. Nghề này chỉ có thể sống lại khi thị trường hải sản đã được khơi thông, mà thị trường hải sản thì chỉ có thể được khơi thông khi người mua, người bán tin chắc là biển đã sạch. Niềm tin đó giờ ở đâu?
Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách.
Bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa đều là địa phương có biển, tỷ lệ sinh rất cao (vì đặc thù của nghề đi biển là tiêu hao sức lao động, cần lao động nam). Mỗi hộ gia đình đều sinh trung bình 6 - 7 con, nhà nào hiếm lắm thì 3 - 4 con. Thảm họa vừa qua đã làm số thanh niên trai tráng thất nghiệp, bỏ biển tăng vọt. Họ ở nhà chơi cả ngày. Có một số tìm đến lối thoát khác, là theo tàu đánh bắt xa bờ ở miền Nam, hoặc trốn sang Lào, Campuchia, Thái Lan làm thuê (nhập cư bất hợp pháp).
Hoàng Tiến Sỹ, một ngư dân trẻ, là người đã từng lái tàu đưa các tác giả báo cáo ra gần nơi Formosa xây cảng nước sâu Sơn Dương vào tháng 8 vừa qua. Em cho biết, đó là lần đầu tiên em đi biển kể từ xảy ra thảm họa. Mới đây, lúc nhóm gặp lại em là lúc em đang ngồi chơi trước cổng nhà. Em nói: “Mọi việc vẫn rứa”, và tỏ ra rất vui khi được Green Trees ký tặng một cuốn báo cáo.
BỒI THƯỜNG KHÔNG THỎA ĐÁNG
Liên quan đến khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa, chính quyền xã Kỳ Lợi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 19/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa có hộ nào được chi trả. Xin lưu ý "Ngay cả khi được bồi thường, thì thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa cũng chỉ là sáu tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016".
Còn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chính quyền đã và đang trả tiền bồi thường cho dân. Tuy nhiên, phần lớn cư dân bị áp một mức chung là 17.460.000 đồng cho cả sáu tháng. Trong khi đó, theo kê khai của ngư dân, trước khi xảy ra thảm họa, thu nhập của họ đạt trung bình 2 triệu đồng/ngày.
Mức bồi thường không thỏa đáng đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân.
Bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển” của nhóm Green Trees được xuất bản vào đầu tháng 10, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Đài Loan.
Green Trees đã gửi báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, và hai bộ Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, nhưng không nhận được phản hồi nào từ đó đến nay.
Giải pháp cứu trợ vùng lũ bền vững, lâu dài
Tuy nhiên, vẫn còn một chút tiền nhỏ chưa được giải ngân. Thêm nữa, có một số nhà hảo tâm vẫn tiếp tục liên hệ và bàn cùng với Green Trees mong muốn tiếp tục giúp đỡ bà con.
Chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao để có thể tìm ra một số giải pháp mang tính lâu dài. Có như vậy, chúng ta cũng giảm thiểu đi được tiền bạc và thời gian sau này. Đó cũng là cách mà đồng bào luôn có thể sẵn sàng trong những cơn bão lũ sắp tới trong tương lai. Dưới đây là video do nhóm thực hiện, gửi tới cộng đồng về một biện pháp nhỏ, nhưng nó phần nào giúp giảm đi thiệt hại đó.
Với số lượng từ 1000 chiếc trở lên, bên bán có thể giảm giá xuống còn 156.000 đ/chiếc (loại 15 ~ 20 lít). Giá tham khảo tại website wetrek.vn.
Hiện tại đã có 2 mạnh thường quân ủng hộ chương trình:
- Sư thầy Nhất Nguyên : 8.000.000 đ (51 chiếc túi)
- Chị Ann Đỗ: 10.000.000 đ (64 chiếc túi)
Green Trees không đề ra mục tiêu cụ thể, nhưng rất muốn sẽ có thể chuyển tới bà con với số lượng nhiều hơn nữa. Vì vậy rất mong sự ủng hộ từ phía các tổ chức và các mạnh thường quân để có thể chung tay thực hiện chương trình này. Đồng thời, rất mong mọi người có thể giúp Green Trees tìm được ra nơi mua rẻ hơn nữa, càng rẻ, số lượng đồng bào được hỗ trợ càng lớn.
Mọi đóng góp xin gửi về:
Số TK: 0021002201514
Ngân hàng Vietcombank
Chi nhánh Hà Nội
Chủ tài khoản: Cao Vĩnh Thịnh
Tên giao dịch quốc tế: Bank for Foreign Trade of Vietnam
Mã Swift Code: BFTVVNVX
Chương trình điều hành bởi 2 admin:
- Cao Vĩnh Thịnh
- Nguyễn Anh Tuấn
Kính báo!
"Báo cáo toàn cảnh thảm họa" được gửi tới Chủ tịch nước và Thủ tướng
Hôm nay, 25/10/2016, bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” của Green Trees đã tiếp tục được nhóm gửi tới 5 địa chỉ:
1. Văn phòng Chủ tịch nước
2. Văn phòng Chính phủ
3. Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT)
4. Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT)
5. Mặt trận Tổ quốc
Theo đánh giá của Green Trees, trong số các cơ quan nhà nước, Bộ TN-MT và Bộ TT-TT có sự tham gia phát biểu ý kiến khá chủ động trong thời gian đầu xảy ra thảm họa.
Thứ trưởng TN-MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp báo đầu tiên về thảm họa, tổ chức vào tối 27/4, tại đó ông Nhân đưa ra nhận định có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết hàng loạt: “Thứ nhất là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai do hiện tượng dị thường tự nhiên tác động kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ”.
Ông cũng nói “chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 30/6, Chính phủ đã công bố đích danh thủ phạm gây ra thảm họa là tập đoàn Formosa. Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan chức năng xác định được 53 hành vi sai phạm của Formosa.
Còn trước đó gần hai tháng, vào ngày nghỉ lễ 1/5, Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn đã dẫn đầu một đoàn nhà báo, nhà văn, blogger đi ăn hải sản Vũng Áng để chứng minh rằng biển đã sạch, hải sản an toàn…
Về phía Văn phòng Chính phủ, ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố “chỉ đạo 9 điểm” về xử lý thảm họa cá chết: “Yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ Khoa học-Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương, trong thời gian sớm nhất làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết...”.
Những diễn biến trên đều đã được báo chí trong nước cũng như mạng xã hội đăng tải, và được Green Trees phản ánh trong bản báo cáo của nhóm.
Báo cáo có 8 chương, dày 200 trang, đề cập đến thảm họa biển miền Trung 2016 từ các khía cạnh pháp lý, chính sách, khoa học, kinh tế, vai trò của chính quyền và xã hội dân sự… Tuần trước, Green Trees đã gửi 5 bản báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, những mong đóng góp cho các đại biểu Quốc hội ít nhiều thông tin tổng hợp khách quan và đa chiều để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai của khóa XIV.
Quốc tế lên tiếng về báo cáo Greentrees gửi Quốc hội
Sáng nay (20/10), Quốc hội Việt Nam khóa 14 khai mạc kỳ họp thứ hai tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội. Trước đó một ngày, một báo cáo được xem là toàn diện nhất từ trước tới nay về thảm họa môi trường ở miền Trung đã được gửi đến cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân. Báo cáo mang tên “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” được một nhóm trí thức trẻ hoạt động vì môi trường Green Trees thực hiện
Greentrees gửi báo cáo tới Quốc hội về thảm họa Formosa
Sáng nay, 19/10/2016, một số đại diện của nhóm Green Trees đã đến Văn phòng Quốc hội (62e Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) để trao một bản báo cáo có nhan đề “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam”.
Đây là báo cáo do nhóm Green Trees thực hiện với mục đích cung cấp cho Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam – một cái nhìn tổng thể, đa chiều về thảm họa môi trường biển diễn ra tại bốn tỉnh miền Trung từ tháng 4 năm 2016, mà tập đoàn Formosa (Đài Loan) được coi là thủ phạm chính.
Trong thư ngỏ gửi tới Quốc hội kèm với báo cáo, nhóm Green Trees nêu rõ:
“Mục tiêu của Việt Nam hiện nay là xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Do đó, thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua là một bài học đắt giá, cần phải đúc rút kinh nghiệm.
Chính vì điều đó, nhóm Green Trees chúng tôi muốn gửi tới Quốc hội và các ủy ban chuyên trách có liên quan bản báo cáo do chúng tôi xây dựng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội tham gia kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV.
Chúng tôi hy vọng rằng, nội dung của báo cáo sẽ giúp các Quý vị có những đánh giá, ý kiến cụ thể, xác đáng hơn trên nghị trường Quốc hội trong lĩnh vực môi trường nói chung và vấn đề thảm họa môi trường biển vừa qua nói riêng”.
Greentrees chất vấn ban quản lý đường sắt đô thị Hà nội
Buổi gặp mặt bắt đầu lúc 17h30 chiều ngày 13/10, thành phần tham gia buổi gặp phía BQL gồm 6 người. Trong đó người trao đổi chính với phía GreenTrees là ông Hoàn- Giám đốc BQL.
Qua gặp BQL, nhóm Green Trees gồm: ông Lê Dũng, bà Thanh Ngân, Thịnh Nguyễn và Cao Thịnh. Mục đích của buổi gặp mặt để chất vấn các vấn đềliên quan tới cây xanh trên phố Kim Mã, nằm trong dự án Metro line 3.
Một số câu hỏi GreenTrees chất vấn BQL:
• Những hạng mục mà BQL cho triển khai thi công ở dưới hiện trường. Như việc ngày 12/10 có chặt cây và cành cây ở Kim Mã và GreenTrees có hỏi ADB về bản thiết kế thi công, tiến độ thi công đã phê duyệt, đã được tư vấn giám sát, hay đã được chủ đầu tư duyệt chưa? Và việc chặt cây có nằm trong tiến độ đó không? Có đúng như thiết kế được duyệt không?
• ADB có thuê giám sát độc lập để giám sát quản lý nhà thầu thi công? BQL triển khai các công tác ở hiện trường ntn? Có báo cáo lại cho ADB hay không?
• Qua đó nhóm muốn biết việc BQL triển khai chặt cây ngoài hiện trường có nằm trong thiết kế mà thành phố phê duyệt chưa? Có nằm trong tiến độ báo cáo cho chủ đầu tư hay chưa? Bản vẽ thi công?
Chúng tôi muốn làm minh bạch vấn đề này vi dư luận đang rất nóng. Tại sao không phải đặt ở giữa con đường mà lại chọn phía hàng cây?
Kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự
Kính gửi:
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV,
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Chúng tôi, những công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký tên trong văn bản này, gửi kiến nghị tới bà Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan có liên quan, để đề nghị nội dung sau:
Thời gian vừa qua, vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả thải làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, đã làm ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến môi sinh trường cũng như đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, có đến hơn 260.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Võ Kim Cự, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, là người ký quyết định cho phép đầu tư của FHS với thời hạn 70 năm vào năm 2008.
Theo Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực tại thời điểm đó, về thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài:
“Điều 52. Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.
Thời hạn hoạt động của dự án được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.”
Do đó, thẩm quyền quyết định cho phép thời gian thực hiện dự án với thời gian 70 năm thuộc về Chính phủ. Như vậy, rõ ràng ông Võ Kim Cự đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đưa ra quyết định vượt quá thẩm quyền, đồng thời buông lỏng quản lý dẫn đến hàng loạt những sai phạm của FHS và gây nên thảm họa môi trường vừa qua. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Cự đã dẫn đến những tác hại nghiêm trọng.
Trong khi đó, căn cứ Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 về tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội, thì đại biểu Quốc hội phải là người “Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”, “Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội”, “liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”.
Theo Khoản 1 Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội, “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
Chúng tôi nhận thấy ông Võ Kim Cự với những sai phạm của mình không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân và không thể làm đại biểu Quốc hội – người đại diện cho Nhân dân.
Vì vậy, chúng tôi yêu cầu bà Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với chức năng và trách nhiệm của mình, tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV (từ 20/7/2016 đến 9/8/2016).
Mong rằng yêu cầu này của cử tri chúng tôi sẽ được xem xét thực hiện.
Chúng tôi chờ đợi phản hồi của Quốc hội. Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2016
Cử tri ký tên
P/S: Mọi người muốn tham gia ký tên hãy chụp ảnh chữ ký của mình và gửi vào comment. Chúng tôi sẽ tập hợp và in ra.
Xin cảm ơn
Greentrees kêu gọi tuần hành đòi minh bạch thảm họa miền Trung
CHÚNG TA ĐỂ LẠI VIỆT NAM NÀO CHO CON CÁI?
Đã qua rồi ngày nô nức bầu cử toàn dân.
Đã lắng đọng rồi cơn cuồng nhiệt Tổng thống.
Chỉ còn lại cho chúng ta, gia tài của mẹ là một nước Việt buồn!
Thưa những ông bố, bà mẹ đang hằng đêm mất ngủ không biết giấu con cái mình đi đâu cho thoát khỏi bầu không khí đầy bụi bẩn và thủy ngân ở Hà Nội, bụi chì tại TP Hồ Chí Minh.
Thưa những bạn sinh viên ngày ngày phơi mình dưới cái nắng 42 độ C đến trường và tự hỏi vì trái đất đang nóng lên hay vì hàng nghìn cây xanh đã bị chặt mùa hè trước?
Thưa những người nông dân hết ngoảnh ra đồng ruộng hạn hán lại ngoảnh vào nhìn lũ con thơ. Năm nay mất mùa, năm sau ra sao?
Thưa các chị, các cô nội trợ mỗi sáng đứng tần ngần trước hàng cá mà đành quay lưng bỏ đi dù đã nhớ hương vị cá biển suốt hai tháng nay hoặc cả trăm lần cầm trong tay nắm muối, đưa lên nhìn, ngửi và làm đủ các thí nghiệm không chuyên chỉ để chắc rằng muối nhà mình có còn đủ an toàn?
Và thưa, các bác, các chú, các anh ngư dân, các tiểu thương, các buôn lái cá ở miền Trung. Thưa các em nhỏ trước vẫn bì bõm nghịch cát ngoài bãi biển và phụ cha mẹ bắt thêm vài con cua, con ốc. Thật khó khăn và đau đớn khi phải nhắc lại đây những điều mà mỗi người dân ven biển miền Trung đã phải gánh chịu. Ánh mắt đau đáu nhìn ra biển như nhìn vào tương lai bất định, hay nhìn vào rổ cá, vào ghe thuyền tìm kiếm câu trả lời mà sự nhỏ bé của mỗi người nào có đủ khả năng. Càng khó khăn hơn để hình dung ánh mắt của những đứa con khi nhìn lên bàn thờ cha/mẹ chúng đã qua đời chỉ vì ăn phải tôm cá độc hay do lặn xuống vùng biển Vũng Áng.
Có lẽ chưa bao giờ nỗi sợ hãi trong mỗi chúng ta lại hiện hình rõ vậy, nó hiện hình mỗi khi chúng ta ăn, mỗi khi chúng ta đi ra đường, mỗi lần chúng ta có ý định đến một bãi biển để tắm. Nó còn hiện hình rõ hơn nữa mỗi lần chúng ta ngắm nhìn lũ trẻ của mình, tương lai nào đang chờ đợi chúng?
Chúng ta đã từng nghĩ rằng chúng ta sống lương thiện, không động chạm đến ai, cố gắng kiếm tiền lo cho con cái, vun vén cho gia đình, cho những mục tiêu cá nhân là đủ.
Nhưng thời gian qua, tai họa xộc thẳng vào trong biết bao gia đình, bao giờ đến gia đình ta? Mọi người ạ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại.
Có lẽ chúng ta có thể bảo nhau cách phân loại rác thải, chúng ta có thể chỉ cho nhau xem nên trồng thêm cây ở đâu, như thế nào để lớn nhanh và nhanh chóng cho bóng mát. Chúng ta cũng có thể từ chối sử dụng túi nilon, hạn chế đi xe máy, ô tô nhiều nhất có thể,... Có rất nhiều việc mà chúng ta có thể làm và chúng đều tốt cả. Nhưng đã đủ chưa?
Chúng ta có thể làm tốt, nhưng hàng ngàn doanh nghiệp, nhà máy vẫn đang thải ra môi trường cả tấn chất độc mỗi ngày. Ta có thể chăm chút cho vài cái cây ta trồng, nhưng chỉ bằng một con dấu, nguyên cả khu rừng, nguyên cả thành phố có thể trụi lụi chỉ trong một tháng. Còn vô số điều khác nữa mà ta tốt thôi cũng chưa đủ.
Môi trường là vấn đề không của riêng ai, bởi lẽ chúng ta hít chung một bầu không khí, dùng chung một biển Đông, dùng chung một nguồn nước. Chúng ta đứng chung dưới một mặt trời mà nếu chẳng may có một lỗ thủng nhỏ, 94 triệu người dân Việt Nam ta đều có xác suất ngang nhau để mắc phải ung thư da, ung thư mắt.
Hơn nữa, môi trường không chỉ là vấn đề của hiện tại. Chúng ta yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái và đặt biết bao yêu thương và kỳ vọng vào chúng. Nhưng chúng ta thực sự để lại được gì cho chúng? Những dòng sông khô cạn? Những bãi rác khổng lồ? Các khu rừng trơ trụi? Hàng loạt làng ung thư? Hay một vùng biển chết?
Hẳn là không ai trong chúng ta muốn điều đó, dù chỉ là trong suy nghĩ. Và vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại với nhau để quyết định xem ta sẽ để lại gì cho con cháu mình. Đã đến lúc chúng ta thúc giục nhau bảo vệ môi trường như thể bảo vệ mạng sống. Đã đến lúc chúng ta nhắc nhở nhau gìn giữ môi trường trong từng câu chuyện, từng bữa cơm. Đã đến lúc chúng ta cùng nhau chống lại kẻ hủy hoại môi trường như thể chống giặc ngoại xâm.
Mọi người ơi, đã đến lúc chúng ta cần hành động!
Bởi lẽ đó, Green Trees với tư cách là một tổ chức xã hội dân sự về môi trường, bất chấp các thách thức, quyết định đứng ra kêu gọi và tổ chức một cuộc tuần hành rộng khắp cả nước nhân ngày Quốc tế Môi trường – ngày 5/6/2016.
Ngày Quốc tế Môi trường ra đời cũng nhằm mục đích cùng nhau hành động vì môi trường trên Trái Đất. Được ấn định từ năm 1972 bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, mà trong đó Việt Nam là một thành viên. Đây là ngày kỷ niệm lớn nhất về môi trường hàng năm. Và vì vậy mà nó là dịp tốt nhất, đẹp nhất, phù hợp nhất để chúng ta làm những việc chúng ta nhắc tới ở trên.
Cuộc tuần hành có tên: Vì Một Việt Nam Xanh – Cần hành động.
Dù bạn là người Việt Nam hay người nước ngoài và thuộc bất cứ tổ chức xã hội nào. Hãy cùng nhau mặc trang phục có hai màu xanh lá cây và xanh đại dương thanh thản dạo bước xuống đường. Nếu vì lý do bất khả kháng không thể ra ngoài, các bạn có thể chụp ảnh ở nhà rồi gửi lên Fanpage Green trees để hiệp thông với mọi người.
Thông điệp: OUR FUTURE IN OUR HANDS – Tương lai nằm trong tay chúng ta.
Cuối cùng, mọi người ơi! Vì hôm nay và vì mai sau, chúng ta cần hành động!
HÀ NỘI: A) Đài phun nước Bờ Hồ; B) Nhà Hát Lớn (dự phòng nếu điểm A ko tập kết đc)
SÀI GÒN: Công viên 30/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q1. Các tỉnh khác: Bất cứ địa điểm công cộng nào.
ĐÀ NẴNG: Công viên 29-3
Hải Phòng: Nhà hát lớn TP
Tại các tỉnh: Ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với trang phục hay biểu ngữ về môi trường
Đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Chính phủ yếu kém
Chiều ngày Chủ nhật 29.5.2016 vừa qua, anh Nguyễn Anh Tuấn (dược sỹ) và anh Đặng Vũ Lượng (chuyên gia IT), là thành viên của nhóm Greentrees đã tới khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm để thể hiện quan điểm, thái độ của hai anh trong vấn đề cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung.đưa ra khẩu hiệu “Đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Chính phủ chậm trễ, yếu kém trong xử lý thảm hoạ biển miền Trung”
Tuyên bố của Greentrees về cuộc tuần hành bị đàn áp
Thảm họa môi trường, xuất phát từ vùng biển Vũng Áng, nay đã lan ra khắp biển miền Trung, với việc nước biển bị nhiễm độc, cá chết hàng tấn và hệ sinh thái bị hủy diệt không biết đến bao giờ mới phục hồi được.
Các cơ quan chức năng đều tỏ rõ sự lúng túng và không minh bạch trong việc xử lý thảm họa. Chođến nay, nguyên nhân gây ra thảm họa vẫn không được công bố. Bức xúc trước tình trạng đó và trước nguy cơ không còn được ăn cá Biển Đông, hàng nghìn người dân ở Hà Nội và Sài Gòn đã đổ ra đường tuần hành ôn hòa vào hai ngày chủ nhật 1/5 và 8/5.
Thông điệp mà người dân mong muốn truyền đạt tới các cấp chính quyền chỉ đơn giản là: Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch.
Thế nhưng, đáp lại sự ôn hòa và thiện chí đó của người dân, công an, dân phòng, thanh niên xung phong cùng nhiều lực lượng không rõ chức năng đã ngăn cản, phá rối, thậm chí đánh đập dã man người dân tham gia tuần hành, không từ cả phụ nữ, trẻ em. Hành vi đàn áp đặc biệt nghiêm trọng ở TP.HCM, nơi các lực lượng tự xưng là “cơ quan chức năng” hành hung dân ngay tại chỗ hoặc tại đồn công an, gây thương tích, đổ máu.
Bức xúc càng thêm bức xúc. Thảm họa môi trường đang dần biến thành một khủng hoảng chính trị. Khi trách nhiệm, ý thức cộng đồng, lòng yêu nước và đòi hỏi chính đáng của mình không những không được đáp lại mà còn bị chà đạp tàn nhẫn, người dân mất hoàn toàn lòng tin vào chính quyền, xã hội chia rẽ, trong khi đó thảm họa môi trường vẫn không ngừng gây tác động hủy diệt.
Với ý thức về tình trạng đó, với trách nhiệm công dân, chúng tôi - nhóm bảo vệ môi trường Green Trees (trước là Vì Một Hà Nội Xanh) - tuyên bố:
1. Kịch liệt phản đối mọi hành vi ngăn chặn, trấn áp, đánh đập, lăng mạ người biểu tình, những người chỉ thuần túy thực thi quyền tự do biểu đạt của họ một cách ôn hòa. Chúng tôi đặc biệt phản đối các hành vi đàn áp người biểu tình ở Sài Gòn; Hà Nội xin chia sẻ với nỗi đau về tinh thần và thể xác của những người dân Sài Gòn là nạn nhân của các cuộc sách nhiễu, trấn áp vừa qua.
2. Việc vận động, thuyết phục, gây sức ép... đòi hỏi chính quyền phải thực hiện nhu cầu, nguyện vọng của người dân là việc làm bình thường trong mọi xã hội dân chủ. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này, dưới bất kỳ hình thức nào có thể - từ tuần hành cho đến tọa kháng, kiến nghị v.v. Chúng tôi yêu cầu các cấp chính quyền phải làm rõ nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường ở biển miền Trung, đồng thời công bố nguyên nhân ấy trước nhân dân. Chúng tôi cũng yêu cầu phải có lộ trình và thời hạn rõ ràng; không thể chỉ nói chung chung là “đang điều tra, làm rõ”.
3. Song song với việc phản đối đàn áp và tiếp tục đấu tranh, chúng tôi cũng yêu cầu các cấp chính quyền chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi, lời nói, biểu hiện bôi nhọ, chụp mũ và vu khống người biểu tình là “thế lực phản động”, “bị giật dây, xúi giục”, “lợi dụng tình hình để chống phá”, “gây rối trật tự công cộng”, v.v. Yêu cầu chấm dứt hình sự hóa việc người dân thực thi quyền tự do biểu đạt - vốn đã được quy định một cách long trọng trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia.
Nay tuyên bố.
Green Trees
Đọc nhiều nhất
-
200 câu hỏi và trả lời về môi trường
Mời mọi người tham khảo đáp án của 200 câu hỏi về môi trường theo đường link sau: https://drive.google.com/file/d/0B1KcEgJqwSp9bnBaemw0e... -
Lợi ích của năng lượng gió với con người và môi trường
Năng lượng gió mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho các khách hàng mà còn cho cả xã hội. Một vài lợi ích có thể nhìn thấy rõ ràng như... -
245 Người dân Hà Nội gửi kiến nghị phản đối dự án Sun Grand City Quảng An - Hồ Tây
Ngày 30/9/2017, với những lời kêu gọi được đăng tải trên mạng facebook phản đối việc thi công dự án Sun Grand City Quảng An... -
Nhà văn Nguyên Ngọc " Con hổ của rừng Tây Nguyên "
Tôi tới thăm nhà văn Nguyên Ngọc vào một ngày trời rất đẹp, có chút hửng nắng tại Hội An. Trước đó thì cả tuần lúc nào trời cũng mưa tầm tã... -
Đánh đổi rừng nguyên sinh Tam Đảo II vì lợi ích kinh tế - Từ góc nhìn báo chí trong và ngoài nước
Dưới đây là nội dung được dịch từ tờ báo thevietnamese.org với tiêu đề: Tiếng kêu cứu từ rừng nhiệt đới Việt Nam. https://ww... -
Thành viên Green Trees - Cao Vĩnh Thịnh tiếp tục bị công an và an ninh Việt Nam gây sức ép
Ảnh trên trang cá nhân của Cao Vĩnh Thịnh chụp cùng ngài đại sứ quán Czech trong ngày kỷ niệm Quốc tế Nhân Quyền. Ngày 25/12/202... -
Tòa án Thượng thẩm Đài Loan tiếp tục bác đơn của gần 8.000 nạn nhân Formosa Hà Tĩnh
Họp báo trước Toà Thượng thẩm ở Đài Bắc của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hôm 17/4/2020. Photo: RFA Sáng 17-4, đại d...
Tham khảo
Phân loại
Tin môi trường
(75)
Môi trường
(43)
Tin tức
(31)
Formosa
(29)
Tin hoạt động
(28)
Sự kiện
(24)
Bình luận & Nhận định
(23)
Video
(18)
Kiến thức về môi trường
(17)
Báo cáo môi trường
(8)
Luật môi trường
(8)
Phát triển bền vững
(8)
Tư liệu
(8)
Chiến lược & Chính sách
(4)
Kinh tế xanh
(4)
Tin công nghệ
(4)
Tiết kiệm năng lượng
(3)
Tản mạn
(1)
Theo thời gian