1:59 SA - Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Formosa và Nhiệt điện Vĩnh Tân coi biển Việt Nam là bãi rác thải

Biển có phải bãi rác công cộng không mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân đổ 1,5 triệu m3 bùn thải xuống biển Tuy Phong, gần khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Cau.

                                                    Nguồn internet mang tính chất minh họa

Biển là một phần không thể tách rời của cuộc sống nhân loại, trên thế giới các tổ chức NGOs đang phải đua nhau đưa ra các giải pháp cố gắng tìm cách làm sạch biển hay duy trì bảo tồn những loài động vật biển quý hiếm. Còn tại Việt Nam, người dân cả nước chưa kịp hoàng hồn với nhát chém mang tên Formosa gây ra cho bốn tỉnh miền Trung thì nay thêm thông tin rằng 1,5 triệu m3 bùn được Bộ Tài Nguyên & Môi Trường ký phép cho đổ thẳng xuống biển Tuy Phong. 

Biển còn là nguồn sống của hàng chục triệu ngư dân, gắn liền đời sống của cả đất nước. Chưa kể đến chiến lược kinh tế biển của Đảng cộng sản Việt Nam cũng xác định tới 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp hơn 50% GDP cả nước. Chiều dài bờ biển Việt Nam là 3.260 km, xếp thứ 32 trên tổng số 156 nước có bờ biển. Độ dài bờ biển chỉ dạng trung bình, bù lại Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp, thừa sức sánh vai cùng thế giới. Từ khi đổi mới, du lịch Việt Nam phát triển và đi lên từ biển. Cho đến hôm nay, du lịch Việt Nam chủ đạo vẫn là biển.

Vì nhiều lý do, nhất là vì nghèo đói, biển Việt Nam bị bạc đãi. Bao đời nay, biển là bãi chứa rác thải của tàu thuyền và cư dân ven bờ, âm thầm mà nhức nhối, từ năm này qua năm khác. Gần đây, biển đau đớn và có nhiều người đã gọi là “ biển chết” vì chất thải công nghiệp thi nhau đổ xuống biển. Không chỉ rác thải thông thường dễ phân hủy mà toàn hóa chất độc hại, hủy diệt môi trường. Biển chết, các sinh vật biển, nguồn sống của con người bị diệt chủng kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Tháng 9/2016, tôi có dịp tới Taiwan du lịch và sự tò mò tiếp cận nhà máy Formosa đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu về nó. Oái ăm thay, “Formosa” vốn có nghĩa là “xinh đẹp” lại trở thành biểu tượng của sự chết chóc. Formosa ở Đài Loan gây ô nhiễm tại Đài Trung, trong suốt hơn 20 năm tồn tại nó đã làm biến mất hoàn toàn dòng sông Trạc Thủy vì hút nước làm mát nhà máy. Nơi xưa kia người dân bắt cá và mưu sinh giờ chỉ là cánh đồng cỏ dại mọc chạy dài. Những cái chết vì mắc các căn bệnh ung, nhiều làng tại Đài Trung giờ bị bỏ hoang.

Sau khi chính phủ mới được thành lập tại Taiwan bàn tay thao túng của Formosa đã không thể che hết bầu trời, Formosa buộc phải bồi thường mỗi tháng 650 USD/người cho hàng chục ngàn dân vùng ô nhiễm, vẫn không từ bỏ tham vọng mở rộng đế chế luyện thép vì những món lợi kếch xù. Không thể bành trướng xuống Cao Hùng như dự kiến vì người Đài Loan kịch liệt phản đối, Formosa thò vòi bạch tuộc vào Hà Tĩnh, Việt Nam.

Biển Hà Tĩnh và vùng phụ cận sau hơn một năm, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thảm họa môi trường này sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái khu vực biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng và mất vài chục cho đến hàng trăm năm mới có thể khôi phục được. Theo một phóng sự ngắn của báo Dân Việt và Sài Gòn Giải Phóng, rặng san hô trên vùng biển của tỉnh Quảng Bình đã bị hủy hoại hoàn toàn. Chưa có một đảm bảo về tính khoa học nào rằng biển đã an toàn trừ những phát ngôn không có cơ sở của một số lãnh đạo như ông Trương Hòa Bình, Mai Tiến Dũng.

Khách tới những địa điểm du lịch đa phần là khách địa phương, khách bình dân; còn khách du lịch đúng nghĩa, khách Tây vẫn biệt tăm. Họ nghi ngờ những người đã cho phép Formosa xả thải vì cho là không độc hại hoặc biết là độc hại nhưng vẫn nhắm mắt đồng ý vì tư lợi. Tại sao không mời cơ quan độc lập về môi trường quốc tế công bố để đảm bảo khách quan và chính xác? Tại sao những tổ chức về môi trường lớn như Green Peace khi muốn hoạt động tại Việt Nam lại không được chào đón hay tạo mọi điều kiện cấp phép hoạt động.

Những người yêu biển chưa nguôi nỗi đau mang tên Formosa nay lại được bồi thêm nhát chém mang tên Vĩnh Tân ở Tuy Phong, Bình Thuận. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép đổ 1,5 triệu mét khối bùn thải xuống biển Tuy Phong, gần khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Cau. Lại còn chống chế và ngụy biện bằng mỹ từ “vật chất” chứ không phải là bùn thải. Nếu dùng được, không ai ngu gì đổ bỏ. Số bùn thải này, nếu vô hại, có thể làm thêm được mấy đảo nổi ở Trường Sa. Hòn Cau, còn gọi là Cù Lao Câu, cách bờ 10 km, là một trong 16 khu bảo tồn sinh vật biển của Việt Nam. Đây là đảo không có người ở và có thể bắt cá bằng tay với dụng cụ thô sơ, một trong những vùng biển đẹp nhất của Việt Nam.

Nên nhớ, mới Vĩnh Tân 1 và chỉ giai đoạn đầu đã đổ 1,5 triệu mét khối bùn thải xuống biển. Không chỉ hủy diệt môi trường mà còn thay đổi hệ sinh thái và hải lộ vận chuyển xuyên Việt. Vĩnh Tân có 4 nhà máy 1, 2, 3, 4 thì 3/4 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu và chủ đầu tư 1 nhà máy. Trước đây, dù chưa vận hành, Vĩnh Tân đã bị ngư dân Tuy Phong nhiều lần phản đối vì bụi xỉ làm ô nhiễm môi trường sống. Số bùn thải này đổ lên bờ đã khủng khiếp và không thể xử lý, nỡ nào đổ xuống biển.. Biển đang giãy chết còn lòng dân đang dậy sóng. Thay cho nhiệt điện than, sao không làm điện gió hoặc điện mặt trời vốn là thế mạnh của vùng đất thiếu nước ngọt, thừa nắng và dư gió này?

Có cảm giác Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan gác cửa môi trường sống của Việt Nam đang làm ngược với chức năng của mình. Các mức kỷ luật của Bộ trong vụ Formosa vẫn chưa đủ sức cảnh báo và răn đe những hành vi tương tự. Nếu mọi người dân trên cả nước cùng đồng lòng,cùng lên tiếng đề nghị Thủ tướng cho dừng ngay các dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân và hành vi đổ rác thải độc hại ra biển thì chắc chắn chúng ta sẽ cứu biển thành công. Các nhà khoa học chân chính và những ai yêu biển hãy cùng nhau góp tiếng nói để chặn đứng những dự án hủy diệt môi trường. Thiệt hại về tiền bạc còn có thể bù đắp nhưng về môi trường sống thì không thể. Muộn vẫn còn hơn không. Hãy làm hết khả năng của lương tâm con người. 

Green Trees (Sola)
Chia sẻ lên mạng xã hội: