9:00 CH - Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Ống Trung Quốc dẫn nước ăn TP.HCM: Sao không chọn Châu Âu?





Dùng loại ống gì đều phải tính toán so sánh, vì tuổi thọ cả trăm năm và chi phí đầu tư bảo trì quá lớn, không hề đơn giản.

Vấn đề chính là nhà thầu cụ thể của Trung Quốc

Mới đây, UBND TP.HCM đang chỉ đạo Sở KHCN phối hợp với Sở GTVT, Sở Y tế, Tổng Công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty Cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn… làm rõ có hay không ảnh hưởng chất lượng nước sạch khi sử dụng các loại ống gang.

Trước đó, tháng 6/2016, ông Trương Văn Hải - nguyên cán bộ SAWACO, gửi đơn lên Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, nói rõ SAWACO sẽ đầu tư phát triển hơn 260 km mạng đường ống cấp 1,2 để tiếp nhận các nguồn nước sạch, sử dụng ống gang dẻo do các công ty Trung Quốc sản xuất như Xinxing, Sun.

Đặc biệt, ống gang dẻo Trung Quốc được đúc từ những phế phẩm của PLA (vật liệu phân hủy sinh học), các sản phẩm bom mìn hay những vũ khí hết hạn sử dụng. Do vậy, ống gang dẻo Xinxing được chào bán ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm khác và có thể bán với mọi giá.

Là người giảng dạy trong bộ môn Cấp thoát nước, là chuyên gia giao thông công chính trong TPHCM, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/5, TS Phạm Sanh cho biết: "Thông tin cá nhân nguyên cán bộ SAWACO phản ánh lên các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố gần cả năm, bây giờ UBND TP mới có văn bản chỉ đạo các Sở Ban Ngành và SAWACO làm rõ chất lượng nước khi sử dụng ống gang dẻo của một số nhà sản xuất Trung Quốc.

Theo tôi đây là việc làm hơi chậm trong xử lý thông tin về hiệu quả đầu tư công, về tác động ảnh hưởng sức khỏe người dân, trong lúc cả nước và TP HCM không thiếu chuyên gia về cấp nước đô thị. Thật ra thông tin này, về khoa học và thực tế, chưa có độ chính xác cao cho lắm".

Bên cạnh đó, theo ông Sanh, đường ống cấp nước bằng gang ra đời rất sớm, từ giữa thế kỷ 15, nhờ cường độ cao và sử dụng bền, các vật liệu khác khó cạnh tranh. Đến năm 1948, thế giới bắt đầu dùng ống gang dẻo, phát huy thêm các ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của ống gang thường (trọng lượng bản thân, địa chất phức tạp, tải trọng ngoài lớn...).

Sau này, dù có sự xuất hiện của ống PVC, ống HDPE, ống composit..., ống gang dẻo vẫn giữ được gíá trị của nó, đặc biệt đường ống cấp nước đô thị có đường kính lớn. Ống gang dẻo, nếu được thi công và chống ăn mòn tốt có thể có tuổi thọ từ 50 đến trên 100 năm.

"Giống như các loại ống bằng kim loại, ống gang dẻo vẫn bị ăn mòn cả bên ngoài lẫn bên trong. Tuy mức độ ăn mòn rất nhỏ (so với tuổi thọ công trình), người ta vẫn gia cố chống ăn mòn ống cả bên ngoài và bên trong. Bên trong ống, thường dùng vữa xi măng hoặc PUR (Polyurethane).

Ống gang dẻo có thể làm từ phế liệu hoặc tái chế. Đây cũng là một ưu điểm về thân thiện môi trường, giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Do vật liệu gang dẻo sử dụng làm ống cấp nước đã có từ lâu tại hầu hết các thành phố trên thế giới, nên hiện nay có khá nhiều tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu, thi công lắp đặt, bọc trám ống và thí nghiệm (EN 15655:2009, ISO 2531:2009, ANSI/AWWA/ASTM...). Cả Việt Nam cũng có TCVN 10177:2013.

Như vậy, cần phân biệt rõ 3 khái niệm: công nghệ ống gang dẻo, ống gang dẻo của Trung Quốc và ống gang dẻo của nhà thầu hay nhà sản xuất Trung Quốc.

Về công nghệ hay vật liệu gang dẻo thì không có gì phải tranh luận, nếu ảnh hưởng sức khỏe hay xấu môi trường thì thế giới đã có nhiều thông tin rồi. Nói ống gang dẻo của Trung Quốc cũng quá chung chung. Vấn đề còn lại chính là nhà thầu cụ thể của Trung Quốc.

Đúng ra là cách tổ chức thực hiện đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu ra sao, rồi năng lực và trách nhiệm quản lý hợp đồng của chủ đầu tư thế nào?", ông Sanh nhấn mạnh.

Không chỉ TP.HCM

Ở góc độ khác, theo ông Sanh, hệ thống cấp nước đô thị rất quan trọng, không những đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch cho người dân và doanh nghiệp, còn phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, sức khỏe, môi trường, chữa cháy, thậm chí an ninh quốc phòng.

Dùng loại ống gì đều phải tính toán so sánh, vì tuổi thọ cả trăm năm và chi phí đầu tư bảo trì quá lớn, không hề đơn giản.

"Không ai dám sử dụng các vật liệu nguy hại làm đường ống dẫn nước gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân khi sử dụng lâu dài (trực tiếp hay gián tiếp). Phải dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tin thế giới và các cơ sở khoa học lẫn thực tiển để lựa chọn đúng công nghệ, đúng nhà thầu có uy tín và kinh nghiệm.

Nhất là phía Việt Nam, từ cơ quan quản lý nhà nước đến cán bộ quản lý dự án cụ thể, phải có trách nhiệm trước dân", ông Sanh cho biết thêm.

Trước thực trạng không chỉ có TPHCM, đường ống nước sông Đà Hà Nội đến nay cũng đang chuẩn bị được cung cấp bởi nhà thầu Xinxing, vị chuyên gia trên phân tích: "Theo tôi, cứ làm đúng luật Đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nếu Nhà thầu Trung Quốc đủ năng lực, có các điều kiện về kỹ thuật và về giá tốt nhất, thì họ trúng thầu không có gì ngạc nhiên.


- Đất Việt -
Vùng tệp đính kèm
Chia sẻ lên mạng xã hội: