9:47 CH - Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Thành viên Green Trees - Cao Vĩnh Thịnh được ghi nhận trên SEA Mashable



                                            Nguồn ảnh: https://sea.mashable.com/

Tạp chí SEA Mashable vừa bình chọn năm gương mặt phụ nữ can đảm vì những nỗ lực mang lại thay đổi cho một tương lai tốt hơn. 
Danh sách gồm:

1) Shyam Priah, Malaysia. Priah là sáng lập viên tổ chức phi lợi nhuận Yellow House KL chuyên hỗ trợ người tỵ nạn và cộng đồng vô gia cư, giúp họ tìm kiếm các cơ hội phát triển.

2)  Lynn Nanticha Ocharoenchai, Thái Lan. Là nhà tổ chức Climate Strike Thái Lan năm 2019, Ocharoenchai hoạt động mạnh trong các chiến dịch liên quan biến đổi khí hậu. Có nhiều bài viết về bảo tồn môi trường và hoạt động xã hội, Ocharoenchai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc song hành với cộng đồng và khuyến khích các dự án sáng tạo. “Cách tôi “đóng khung” biến đổi khí hậu bây giờ không chỉ để cho thấy chúng ta đang làm tổn thương Trái đất như thế nào, mà còn muốn mọi người thấy đó là hành động vi phạm nhân quyền, ảnh hưởng đến tất cả” – Ocharoenchai nói.

3) Lim Kimsor, Cambodia. Là một trong những người bị “trục xuất” khỏi nơi từng là nhà của mình – đảo Kim Cương, khi nơi này trở thành địa điểm du lịch, Kimsor hiện là một trong những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất Cambodia. Từ năm 2014 đến nay, Kimsor làm việc với Mother Nature Cambodia, tổ chức tranh đấu cho môi trường mạnh đến mức nó được đưa vào danh sách đen năm 2017 và bị chính phủ Cambodia cấm hoạt động.

4) Jinky Malibato, Philippines. Mới 19 tuổi nhưng sinh viên Malibato đang đi đầu trên trận tuyến kêu gọi giới trẻ đấu tranh bảo vệ đất đai khỏi các dự án khai thác khoáng sản và xây dựng hạ tầng. Sau loạt tấn công của quân đội chính quyền lẫn các nhóm bán vũ trang vào nơi mình sống, Malibato phải nương mình vào Nhà thờ Giáo hội Thống nhất Kitô giáo tại thành phố Davao. Tuy nhiên, cô không bỏ cuộc, dù giới hoạt động vì môi trường và quyền đất đai vẫn liên tục bị quân đội chính quyền tấn công và đe dọa. Global Witness, một tổ chức theo dõi quốc tế, cho biết, Philippines là nơi có số nhà hoạt động bị giết nhiều nhất năm 2018.


                          Hình ảnh: Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Cao Vĩnh Thịnh


Một trong những người được ghi nhận trong danh sách trên nữa là thành viên của Green Trees cô Cao Vĩnh Thịnh. " Từng là phóng viên kinh tế, Thịnh đã chứng kiến nhiều công ty lớn gây tổn hại môi trường như thế nào. “Tôi muốn trở thành nhà báo vì tôi muốn thuật lại sự thật nhưng chính quyền không cho phép chúng tôi làm điều đó” – Thịnh nói với Southeast Asia Globe. Từ đó, Thịnh bỏ nghề báo, thành lập nhóm Green Trees Việt Nam.  Green Trees là một tổ chức ghi lại những vụ xâm phạm môi trường, đồng thời cũng báo động về nguy cơ biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Vì những hoạt động mạnh mẽ của mình, thành viên Green Trees thường xuyên bị công an bắt bớ. Cho dù vậy, Thịnh không lùi bước mà vẫn tiếp tục công việc của cô."

Tháng 3/2019,  Cao Vĩnh Thịnh từng bị câu lưu và tịch thu toàn bộ thiết bị máy tính và điện thoại sau khi Green Trees cho chiếu bộ phim tài liệu Đừng Sợ (lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình Cá chết bởi vụ ô nhiễm do công ty Formosa gây ra). Tháng 6/2019, khi đến phi trường Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan du lịch, Thịnh đã bị an ninh chặn không cho đi và cô bị cấm xuất cảnh mà không hề có bất kỳ lý do gì. Gần đây, trên các kênh truyền thông như VTV24 và ANTĐ đã phát những tin tức vu khống và cố ý gán ghép cô trở thành người xấu trong con mắt cộng đồng.





Chia sẻ lên mạng xã hội: