5:00 CH - Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Làm vườn trên ban công: tìm ra tổ hợp cây tương sinh - tương khắc


Trong bài viết này, Người nông dân ban công sẽ giới thiệu kỹ hơn về tính Tương sinh-Tương khắc của cây trồng qua kiến thức và kinh nghiệm học hỏi cả ở Người nông dân mặt đất.

Cây cối cũng như con người, là sự sống có tính xã hội và tương tác. Nếu như con người hay dựa vào một công cụ nào đó (khoa học hay tâm linh) nhưhệ ngũ hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ) hay tuổi tác để xem người này có hợp hay khắc với người kia không, hợp hay kỵ với nhà cửa đất đai,… thì cây cối cũng vậy. Song câu chuyện của cây cối thì rất rõ ràng, “hệ công cụ” ấy chính là tính khoa học của các yếu tố tự nhiên (nước, nhiệt độ, ánh sáng, đất, nguồn dinh dưỡng, hệ thiên địch, …) và cũng có một phần yếu tố “tâm linh”, chính là “năng lượng giao tiếp” giữa chúng với nhau và với con người. Yếu tố “tâm linh” ấy sẽ được nói đến trong một bài khác, còn ở bài này chỉ bàn về tính tương sinh-tương khắc giữa các loại cây trồng đã được các nhà nông tổng kết lại một cách khoa học và từ kinh nghiệm thực tế.


Một góc vườn tổ hợp tương sinh

Nắm được tính tương sinh–tương khắc của cây sẽ quyết định được việc xen canh, luân canh cây trồng, để có được một khu vườn “khoẻ mạnh”, cho dù là vườn trên ban công.Khu vườn ấy “khỏe” vì đạt được tính Đa dạng (diversity) và Cộng hưởng lợi ích (mutual benefit) giữa các cây.

Các nhà nông chuyên nghiệp (phương Tây) thường lập kế hoạch rất kỹ trước khi làm vườn; trong đó một bước vô cùng thiết yếu là lên được bảng tương sinh- tương thích Trong khi đó ở ta thì ngày nay hiếm có “nhà nông chân chính” hay “chuyên nghiệp” theo cách này mà chỉ còn các “công nhân trồng rau” theo công nghệ lập trình sẵn. Với họ, năng suất là trên hết, và đạt được năng suất thì chịu đánh đổi bằng: công nghệ biến đổi gien tạo giống năng suất cao hoặc ngắn ngày, hoặc chống chịu được sâu bệnh, phải dùng thuốc tăng trưởng các bộ phận của cây (từ rễ, thân, lá, hoa, quả,…), dùng phân bón hóa chất kích thích tăng trưởng, dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ. Âu cũng là một sự mông muội trong nhận thức con người về việc “ta là trung tâm vũ trụ” và “chinh phục thiên nhiên”, quyết đảo lộn mọi logic và quy luật tự nhiên. Có lẽ họ không coi thế giới thực vật (hay một khu vườn nhỏ) là một xã hội sống thu nhỏ, càng không hiểu được những quy luật hay các quan hệ chi phối trong hệ thống thu nhỏ đó để mà “xây dựng” hay “bảo dưỡng” nó.



Mô phỏng một tổ hợp tương sinh thu nhỏ

Rất nhiều bạn bè của Người nông dân ban công phàn nàn rằng họ cũng cố gắng trồng rau, trồng hoa cho khu vườn của họ mà cây hay chết quá, rồi sâu bệnh, chuột bọ phá,… mặc dù rất chăm tưới bón. Trong nhiều lý do, thường nhất là việc bỏ qua tính tương sinh–tương khắc hay lịch thời vụ của cây trồng.

Để có được một tổ hợp cây tương sinh tốt, người ta dựa trên các tiêu chí về lợi ích của vườn như sau:

1. Tính che chở: cây lớn sẽ bảo vệ cây bé trước gió hoặc quá nhiều ánh sáng hoặc sức nóng của mặt trời;

2. Tính tương trợ về thể lý: một số loại rau có thể được coi như giá đỡ cho loại khác. Ví dụ một số loài đậu leo được trồng xen với ngô thì ngô sẽ “được coi” như giàn đỡ của Đậu;

3. Tính hấp dẫn côn trùng để hỗ trợ thụ phấn: cần trồng thêm một số cây dụ được ong bướm tới, từ đó côn trùng lân la sang các cây cũng đang ra hoa bên cạnh (bầu, bí, mướp…) “nhân tiện” thụ phấn hộ.

4. Tính cải thiện chất lượng đất: đặc biệt là các loại rau họ đậu sản sinh vi khuẩn cố định đạm cho đất;

5. Tính “bẫy mồi” hay “kỵ dơ”: Có rất nhiều loại cây có mùi gây “dị ứng” với côn trùng hay chuột bọ, hoặc “hấp dẫn côn trùng” bằng màu sắc,từ đó “chia hỏa lực” của côn trùng, tránh gây hại cho cây khác.

Do vậy, nếu ta hiểu được điều đó (hiểu cây, hiểu luật của cây) và biết cách phối hợp các loại với nhau thì chính ta đã tạo được một hệ thống hay một xã hội thu nhỏ đa dạng và cộng hưởng lợi ích, khỏe mạnh. Tất nhiên, không có một tổ hợp cố định nào cho bạn áp dụng vào khu vườn của mình, mà bạn cần phải tìm hiểu và áp dụng một cách linh hoạt. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của các nhà làm vườn chuyên môn trong việc đưa ra một ma trận các tổ hợp tương sinh-tương khắc thế này:


Ví dụ tham khảo về 1 bảng – tiếng Anh – ma trận Tương sinh–tương khắc. Các bạn bấm vào hình để đọc được chứ nhé

Hoặc bạn có thể tìm hiểu nguyên lý trồng xen tầng (về độ cao) giữa các cây cao (bóng mát), cây bụi vừa và thấp, cây lấy củ, cây phủ mặt đất, cây leo (như hình minh họa) hay nguyên lý về cộng sinh giữa các loại cây ăn quả, cây ăn lá, cây lấy củ, cây gia vị (mùi), cây hoa, cây hấp dẫn côn trùng, cây cải tạo đất… Tất cả đều rất linh hoạt dựa vào sự ham tìm hiểu, yêu làm vườn và tính sáng tạo của bạn.


Mô phỏng ví dụ tham khảo về xen tầng

Trông có vẻ phức tạp với bạn để tự mình đưa ra một tổ hợp tương sinh cho khu vườn của bạn, song xin mách nhỏ một số “mẹo” hay kinh nghiệm học được để nhớ được một số tổ hợp cơ bản mà các nhà nông chuyên nghiệp “mách cho”. Ví dụ các tổ hợp “Ba chị em” (Ngô- Đậu- Bí Ngô) hay “Bộ tứ chiến binh” (Măng tây-Cà Chua-Bạc Hà-Mùi Tây) là những tổ hợp “không phải bàn cãi” về lợi ích cộng hưởng” của nó đem lại.


Minh họa tổ hợp “Ba chị em” nổi tiếng

Một vài gợi ý về tổ hợp tương sinh tương khắc cho hiệu quả rõ rệt từ vườn ban công của Người làm vườn là Cà chua-Húng quế tím-và Bí ngô (hoặc Su su, Mướp, Dưa chuột) hay Xà lách-Cải bắp-Hành (Tỏi)-Dưa leo (hay Bí ngô) và luôn trồng xen hoa Cúc lá nhám (để hấp dẫn côn trùng và màu sắc đẹp, hay hoa Hướng dương. Bạn có thể tham khảo “thực đơn” mà Người làm vườn ban công tìm hiểu từ kinh nghiệm của những Người nông dân mặt đất khác, với các loại kết hợp rau ta, như sau nhé:




.

Cuối cùng, Người nông dân ban công chúc bạn hào hứng tìm cho khu vườn của mình một bộ tổ hợp tương sinh thích hợp cho khu vườn của mình. Bạn có thể tìm hiểu bằng các từ khóa tiếng Anh “Planting Companion” để tìm hiểu về các tổ hợp tương sinh-tương khắc hay cụm từ “Crop calender” để biết lập thời gian biểu cho các cây trồng của mình không bị trái vụ.




- Người nông dân Dao Ngo-
Chia sẻ lên mạng xã hội: