12:17 SA - Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Lựa chọn cách ứng xử với môi trường


Năm 2016 là năm ghi nhận nhiều thảm họa môi trường, điều ấy như một lời cảnh tỉnh về cách lựa chọn của chúng ta đối với việc phát triển kinh tế xã hội trong cả một giai đoạn dài. Lúc này, thay vì chỉ chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần hành động quyết liệt để biến những cam kết phát triển bền vững trở thành hiện thực, bắt đầu từ lựa chọn cách ứng xử với môi trường.


Môi trường đã quá ngưỡng chịu đựng



Năm 2016 là một năm ghi nhận nhiều sự cố về môi trường, trong đó có sự cố xả thải, gây ô nhiễm biển nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền Trung của công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Thực trạng nhức nhối hiện nay có bắt nguồn từ việc, trong suốt thời gian dài, chúng ta ứng xử với môi trường thiếu sự tôn trọng, thậm chí có thời điểm, có nơi còn vắt kiệt môi trường để phục vụ cho mục tiêu thoát nghèo và “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng kinh tế. Vậy nên, có thể nói chúng ta chưa tránh được “vết xe đổ” của việc trả giá đắt về môi trường cho quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.

Điều đó thể hiện ở việc, tài nguyên thiên nhiên không chỉ bị khai thác không bền vững, mà sử dụng cũng không hiệu quả. Khoáng sản bị khai thác để xuất khẩu, thiếu kiểm soát, gây suy thoái môi trường ở các khu vực khai thác. Đất đai bị thâm canh tăng năng suất, bạc màu do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Rừng tự nhiên bị khai thác mạnh mẽ, rừng ngập mặn bị phá hủy để nuôi trồng thủy sản do đó đã giảm 67% diện tích so với năm 1943. Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ồ ạt đã gây nhiều hệ lụy như gây mất rừng, làm suy kiệt dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái, xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du. Nguồn lợi thủy sản bị suy giảm do đánh bắt quá mức, với các phương thức khai thác không bền vững…

Môi trường ở nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề do phải chứa đựng lượng lớn chất thải, vượt quá khả năng tự hồi phục. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015 cho thấy, môi trường không khí ở các đô thị lớn bị ô nhiễm bụi do hoạt động xây dựng, số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi quy hoạch và cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý mới chỉ đạt khoảng 10%; các hồ, ao, kênh mương trong các đô thị nơi chứa đựng nước thải, bị ô nhiễm nặng nề. Sau hơn 20 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta vẫn còn khoảng 25% trong tổng số 283 khu công nghiệp, 95% trong tổng số gần 900 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Khoảng 60% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu vực khai thác khoáng sản, xung quanh các nhà máy nhiệt điện, xi-măng, thép… chưa được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp, khó lường và càng ngày càng gia tăng các tác động. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đã xuất hiện nhiều cơn bão có cường độ mạnh hơn, khó dự báo hơn. Lũ lụt do mưa lớn ở miền Trung; hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đặc biệt là BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề. Có thể nói, thiên nhiên đang giận dữ và đang có những hành động đáp trả lại những tác động xấu, vô ý thức của con người lên môi trường tự nhiên, đòi hỏi con người phải có những hành động sửa chữa lỗi lầm mình gây ra.

Chọn cách quản trị hiệu quả

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và BĐKH, tháng 9-2015, Liên hiệp quốc đã chính thức thông qua và kêu gọi thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Các mục tiêu này nhấn mạnh hoạt động bảo vệ, gìn giữ môi trường, theo đó, đến 2030, các nước cần phấn đấu để đạt được sự “tách rời” giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng chứng kiến việc đạt được thỏa thuận Pa-ri về BĐKH, với cam kết có ý nghĩa lịch sử về cắt giảm phát thải các-bon, hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC vào cuối thế kỷ 21.

Các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… đã được ban hành, nhấn mạnh phát triển phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng các quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, từng bước chuyển dần sang tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp. Mục tiêu đến năm 2020 là phải kiềm chế được mức độ gia tăng và đến 2030 phải ngăn chặn, đẩy lùi được xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên môi trường. Mặt khác Việt Nam cũng cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 để chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH.

Ưu tiên trong bảo vệ môi trường hiện nay là phải đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường thông qua việc không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm. Thực hiện tổng điều tra các nguồn thải trên toàn quốc; giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, ngăn ngừa xảy ra các sự cố môi trường. Siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để hạn chế dòng công nghệ cũ, lạc hậu và chất thải tràn vào nước ta. Cần phải rà soát, đánh giá để hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, công nghệ có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, tiêu tốn tài nguyên. Đầu tư, đẩy mạnh việc quản lý, xử lý các loại chất thải; từng bước giải quyết các vấn đề môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn.

Hơn nữa cần phải chú trọng việc quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cần nhìn nhận tài nguyên là các nguồn “vốn tự nhiên” mà thiên nhiên đã ban tặng, chúng ta có trách nhiệm không được làm thâm hụt, mà phải sử dụng một cách khôn khéo, thông minh, để có thể duy trì, phát triển… Không chỉ vậy, chúng ta cần quản lý sao cho có “lãi”, nghĩa là phải có được tài nguyên môi trường tốt hơn cho các thế hệ con, cháu của chúng ta.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, cần phải biến tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường thành hành động

, nâng cao ý thức trách nhiệm về môi trường đối với thế hệ mai sau; loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế, bỏ qua các quan tâm về môi trường. Chẳng hạn như, cần hết sức cân nhắc việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau, việc nhận chìm 1,5 triệu tấn chất thải xuống biển ở Bình Thuận, hay phát triển dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận, các dự án sản xuất giấy và bột giấy ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Đến lúc cần phải thực hiện quản trị môi trường hiệu quả bằng cách hoàn thiện thể chế, tăng trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quản lý tài nguyên và môi trường ở nước ta.

TS. Nguyễn Trung Thắng
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Chia sẻ lên mạng xã hội: