7:37 CH - Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường


Bắt đầu từ ngày 01/02/2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm có:

Hành vi vi phạm quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường;

Hành vi gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về quản lý chất thải;

Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

Hành vi vi phạm về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

Hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học, các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm khác về bảo vệ môi trường.

Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định có các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các giấy phép hoạt động và tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định một số các biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo như:

Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm; Buộc tháo dỡ hoặc di dời cây trồng, công trình;

Buộc tiêu hủy hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu hoặc buộc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ theo quy định; buộc thu hồi kết quả phát sinh từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật và các biện pháp khác.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cũng quy định một số hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, phạt tiền đến 1.000.000 đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.

Phạt tiền đến 3.000.000 đồng nếu tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền đến 7.000.000 đồng nếu vứt, bỏ rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải.

Quy định phạt tiền đến 1 tỷ đồng nếu nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng hoặc phế liệu không thuộc Danh mục được phép nhập khẩu.

Tapchitaichinh
Chia sẻ lên mạng xã hội: