10:00 SA - Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

TP. HCM: Ô nhiễm nặng từ các xưởng tái chế nhôm





Nhu cầu về nhôm tăng cao khiến việc sản xuất, tái chế nhôm ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một số cơ sở còn thiếu kinh nghiệm và ý thức bảo vệ môi trường khi sản xuất và tái chếnhôm. Nếu xử lý không tốt, việc tái chế nhôm sẽ để lại lượng bã thải rất lớn, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Những ngày vừa qua, người dân sống dọc đuờng E11/4 Ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. HCM liên tục phản ánh với Green Trees về tình trạng ô nhiễm của các xưởng tái chế nhôm trên khu vực này.

Ngày 24/5, phóng viên tình nguyện của Green Trees đã có mặt tại tuyến đường trên để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Từ đường E11/4 Ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đi vào khoảng 600m, chúng tôi gặp một đồng chí vệ binh. Được sự hướng dẫn của đồng chí, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất nhôm của ông Tiếp và bà Chín nằm trên đất của Sư đoàn 317 – Quân khu 7.

Dọc đường đi, chúng tôi thấy những chiếc xe tải chở hàng liên tục di chuyển ra vào. Một người dân giấu tên cho biết: “Tôi không rõ xưởng này hoạt động từ bao giờ, nhưng thời gian gần đây, các xe tải ra vào xuởng liên tục. Khói bụi và ồn ào cả ngày lẫn đêm, khiến người dân rất khó chịu”.

Tiến sâu vào xưởng sản xuất, chúng tôi cảm thấy ngạt thở vì mùi khét, mùi hăng hắc nồng nặc thải ra từ các lò đốt nhôm. Hai xưởng rộng khoảng 60 m2 này chỉ mở một cửa duy nhất khi cần ra vào. Trước cửa, các thành nhôm thành phẩm được xếp thành từng khối chờ bốc lên xe. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, người phụ nữ tầm hơn 40 tuổi ngồi trước cửa xưởng “cảnh giới” đứng bật dậy, bước đến hỏi chúng tôi cần gì và cho biết ở đây không được vào.

Quy trình sản xuất

Trong hai xưởng tái chế, nhôm phế liệu được chất chồng thành đống cao ngất chờ vào lò để nung chảy. Vỏ lon bia, xoong nồi cũ, dây điện, phụ tùng máy móc, vành xe hỏng, khung nhôm kính… được thu mua với giá rẻ ở khắp nơi sau đó tập kết về xưởng. Sau đó, những nguyên liệu này được nấu trong lò đốt cho tan chảy và nhôm lỏng được đổ vào khuôn thành các thanh nhôm có chiều dài khoảng 80cm, nặng từ 8 – 12kg.
Bên trong xưởng của ông Tiếp và bà Chín là hai lò đốt với công suất 12 tấn/ngày. Nhìn sang bên cạnh, chúng tôi thấy 2 người công nhân mỗi người bịt một chiếc khăn mặt kín mít chỉ hở mỗi 2 con mắt đang thay nhau dùng xẻng xúc phế liệu đổ vào lò. Theo tính toán của các chuyên gia, hàm lượng bụi và khói bên cạnh các lò đúc luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 10-15 lần, điều này khiến tôi tự nghĩ không hiểu qua lớp khăn mặt kia hàm lượng khói bụi liệu giảm đi được mấy phần.

Bã thải trong sản xuất đi đâu?

Ông Trần Văn H (một người có kinh nghiệm nấu nhôm lâu năm) cho biết: “Cứ 6 tấn nhôm sẽ sản sinh ra khoảng 600kg xỉ”. Xỉ nhôm là một trong những chất vô cùng độc hại đối với môi trường, nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của con người.

Điều đáng nói, xưởng tái chế nhôm của ông Tiếp và bà Chín hoạt động với công suất lớn nhưng lại không có khu xử lý xỉ nhôm. Điều này khiến chúng tôi tự đặt câu hỏi không biết lượng xỉ nhôm khổng lồ ấy được vận chuyển đi đâu và xử lý như thế nào? Liệu hai xưởng tái chế nhôm này đã đánh giá tác động môi trường trước khi hoạt động hay chưa? Và với hoạt động tái chế nhôm này, liệu ông Tiếp và bà Chín có được cấp giấy phép kinh doanh hay không?

Nguy cơ nhiễm độc từ xưởng tái chế nhôm

Quá trình tái chế nhôm sản sinh ra rất nhiều khói bụi độc hại, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người. Đặc biệt, những người thường xuyên tiếp xúc hoặc sinh sống gần các xưởng tái chế nhôm có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, ngoài da, đường tiêu hóa.

Theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Kim Thái, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường đại học Xây dựng, trong các máy biến thế, tụ điện phế thải (mà các lò tái chế nhôm thường thu mua), có một hợp chất độc hại chứa trong dầu thải là chất PCB. PCB là một hợp chất hữu cơ rất khó phân hủy. Chất độc này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tích lũy trong các mô mỡ, có thể gây nhiễm độc nặng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tuần hoàn máu… gây giảm sút trí nhớ. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể làm biến đổi gien và có nguy cơ gây ung thư cao.

Vậy, có hay không chuyện xưởng tái chế nhôm này chỉ chú trọng vào sản xuất và lợi nhuận mà không quan tâm đầu tư cho việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường của cơ sở sản xuất? Phải chăng sức khỏe của các chiến sĩ và người dân nơi đây đang được chính họ mang ra trao đổi với lợi nhuận? Và những xưởng tái chế này được xây dựng trên đất của Quân đội nhân dân Việt Nam là đúng hay sai? Các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vấn đề nhức nhối này như thế nào để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân.


- Green Trees -
Chia sẻ lên mạng xã hội: