2:01 SA - Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Nhà máy nhiệt điện - Mối hiểm họa khôn lường



Nếu các bạn không thích đọc bài dài, thì hãy chỉ đọc đoạn đầu là đủ.

Phân tích giới hạn phát thải đối với nhà máy nhiệt điên than mới xây dựng ở Việt Nam so với Trung Quốc và Ấn Độ; L.Myllivirta cũng đã chỉ ra, do công nghệ lạc hậu, nên hàm lượng khí thải độc hại của nhiệt điện than Việt Nam có:

1. Khí SO2: Cao gấp 1,75 lần Trung Quốc, 3,5 lần Ấn Độ.

2. Khí NOx: Cao gấp 4,5 lần cả Trung Quốc và Ấn Độ

Đây chính là một hiểm họa lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng dân cư.

- Giáo sư Lauri Myllivirta - (Đại học Harvard)

Trong thành phần khí thải từ nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, có những loại khí gây mưa axit như SO2 và NO2. Đánh giá hiện trạng này, mưa axit chiếm từ 30% đến 50% số lần mưa. Nơi có tần suất mưa axit cao là Việt Trì; tiếp đó là các khu vực công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh...

Mưa axit tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước; rửa trôi các chất dinh dưỡng và mang kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: sông, suối, ao, hồ...

- Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường -

Đến đây bạn có thể dừng, nhưng nếu cảm thấy chưa đủ sợ, bạn có thể đọc thêm dưới đây:

- SO2: Lưu huỳnh điôxit (hay còn gọi là anhiđrit sunfurơ) là một hợp chất hóa học. Chất khí này là sản phẩm chính của sự đốt cháy hợp chất lưu huỳnh. SO2 thường được mô tả là "mùi hôi của lưu huỳnh bị đốt cháy". Lưu huỳnh điôxit là một khí vô cơ không màu, nặng hơn không khí.

SO2 là một ôxit axit, tan trong nước tạo thành dung dịch axit yếu H2SO3(nhưng nó vẫn có đầy đủ tính chất hóa học của axit).

Lưu huỳnh điôxit là một trong những chất gây ô nhiễm môi trường. Nó sinh ra như là sản phẩm phụ trong quá trình đốt cháy than đá, dầu, khí đốt.

Nó là một trong những chất gây ra mưa axit (gồm NOx,...) ăn mòn các công trình, phá hoại cây cối, biến đất đai thành vùng hoang mạc:

2SO2 + O2 + 2H2O --> 2H2SO4

Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hoá để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết. Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hoá học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+(kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.

- NOx: các oxit nitơ

Oxit nitơ có nhiều dạng, do nitơ có 5 hoá trị từ 1 đến 5. Do ôxy hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng nhau, được gọi chung là NOx. Có độc tính cao nhất là NO2 , khi chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.

NOx bị ôxy hoá dưới ánh sáng mặt trời có thể tạo khí Ôzôn gây chảy nước mắt và mẩn ngứa da, NOx cũng góp phần gây bệnh hen, thậm chí ung thư phổi, làm hỏng khí quản.


Chia sẻ lên mạng xã hội: