2:21 SA - Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Thảm họa Formosa, một năm nhìn lại - Phần 2


APP photo

Phần 2: SAU THẢM HỌA FORMOSA LÀ THẢM HỌA BỒI THƯỜNG

1. Tiến trình bồi thường chậm chạp, gặp nhiều sự phản đối của người dân


Ngày 30/06, Chính phủ tuyên bố nhận 500 triệu đô la tiền bồi thường từ Formosa và chi trả cho người dân trong tháng 8. Đến 1.9, Chính phủ lại trả lời sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 10. Đến hôm nay, lời hứa chuyển sang tháng 6/2017. Ngày 11/10/2016, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3000 tỷ cho các địa phương đền bù cho dân. Ngày 8/2/2017, Bộ Tài chính chuyển tiếp 1680 tỷ đồng cho đợt 2. Tổng cộng đã chi 4680 tỷ đồng trong số 11 500 tỷ nhận từ Formosa.

Tuy thảm họa diễn ra từ tháng 4, Chính phủ nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng mãi đến 29/09/2016 mới ban hành định mức bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, lại bỏ sót nhiều đối tượng bị thiệt hại thực sự. Đến ngày 9/3/2017, chỉ có duy nhất một đối tượng được thêm vào trong Quyết định bổ sung số 309 của Thủ tướng.

Trên các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin rằng người dân phấn khởi và đồng tình với quyết định bồi thường của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, gần như toàn bộ các địa phương đều có việc khiếu nại, phản đối vì họ cho rằng quá trình bồi thường quá chậm chạp và không công bằng. Một số ít các bài báo online được đưa lên một thời gian ngắn sau đó bị xóa tại trang chủ. Có một chỉ đạo ngầm về việc hạn chế đưa những tin tiêu cực về quá trình này.

Tại Hà Tĩnh, chính quyền thông báo đã chuyển hơn 1000 tỷ đồng tiền bồi thường đến dân nhưng ở các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh ngày nào cũng có người dân đến đòi tiền. Nhà riêng của Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh và Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường xuyên bị người dân khiếu nại đến. Tình trạng khiếu nại còn lên tận Trung ương khi ông Đặng Ngọc Sơn phải ra Hà Nội không ít lần để đàm phán đề nghị. Nhiều người dân ở một số nơi còn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề bồi thường. Đặc biệt, nhiều cuộc biểu tình ở các nơi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình),…đã nhiều lần làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến Quốc lộ nhiều giờ. Ngày 3/4/2017, người dân còn biểu tình chiếm luôn cả trụ sở UBND huyện Lộc Hà khi các quan chức đứng đầu huyện không xuất hiện để trả lời yêu cầu của họ. Các tỉnh khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đó là một sự hỗn loạn thực sự trên một địa bàn trải dài vài trăm cây số ven biển.

2. Nguyên nhân của tình trạng người dân phản ứng với quá trình bồi thường

Đầu tiên, là sự chậm trễ, thiếu sót trong các quyết định ban hành từ Trung ương. Nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng đến 29/09, Thủ tướng mới ban hành quyết định 1880 định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều đối tượng thiệt hại thực sự và giá trị lớn đã bị bỏ qua; ví như như các nhà hàng hải sản, khách sạn, khu du lịch. 3/7 đối tượng bị thiệt hại trong quyết định 1880 này không có số tiền cụ thể. Ngày 9/3/2017, PTT Trương Hòa Bình ký quyết định số 309 bổ sung duy nhất một đối tượng là lao động ven biển không thường xuyên, với định mức 1.405 ngàn đồng/tháng và nhà hàng, khách sạn chỉ được bồi thường lao động, những thiệt hại khác không được bồi thường. Đồng thời, các quyết định này nêu rõ chỉ những xã, phường VEN BIỂN mới được bồi thường thiệt hại; những xã phường lân cận dù mức độ thiệt hại như thế nào cũng bị bỏ qua. Chủ nhà hàng Hải Đường, Chương ở bên cầu Hộ Độ ( Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết rằng trong năm 2015 họ đóng thuế gần 500 triệu đồng, nhưng hiện nay đang lỗ nặng mà không được bồi thường gì. Cách tính toán số tiền bồi thường trong nhiều trường hợp rối rắm, phức tạp và vượt quá khả năng của cán bộ địa phương.

Thứ hai, là số tiền bồi thường không đủ so với thiệt hại hiện tại của người dân và chỉ bồi thường trong vòng 6 tháng, từ 4-9/2016, những thiệt hại thời gian tiếp không được quan tâm đến. Những người kinh doanh, buôn bán thủy hải sản cho rằng thu nhập thực tế của họ nếu không có thảm họa lớn hơn nhiều lần so với con số 2 910 ngàn/tháng. Tương tự, những chủ tàu cá, ngư dân khẳng định trước đây thu nhập của họ đủ nuôi sống gia đình, cao hơn số tiền 3 690 ngàn/tháng như mức bồi thường. Hiện tại, nhiều ngư dân đã bỏ nghề để đi làm các công việc khác vì giá hải sản hiện tại quá thấp, không thể tiếp tục theo nghề. Nhiều ngành nghề khác như nuôi trồng hay dịch vụ đều phải tiếp tục tạm dừng hoặc ế ẩm vô thời hạn.

Thứ ba, ở cấp địa phương, trình độ của cán bộ hạn chế và thói quen làm việc quan liêu, thiếu minh bạch. Theo hướng dẫn kê khai thiệt hại từ bộ nông nghiệp, mỗi thôn xóm đều có một ban thẩm định, đánh giá công khai. Tuy nhiên, với trình độ hạn chế và kiểu cửa quyền, văn hóa quen thân khiến nhiều người dân bức xúc. Cụ thể là có một Thôn trưởng tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh đã bị ném mìn vào nhà vì vấn đề này. Khi hồ sơ kê khai được cấp xã, huyện thì nhiều trường hợp bị đưa ra khỏi danh sách bồi thường mà không được thông báo lý do. Người dân ở xã Kỳ Phương và Kỳ Nam, Kỳ Anh nhiều lần chặn đường Quốc lộ 1A để phản đối vì khi niêm yết danh sách bồi thường, họ bất ngờ bị gạch tên và thôn trưởng hay ban thẩm định ở thôn, xóm đều không được hỏi ý kiến hay biết lý do là gì. Bức xúc của người dân càng tăng cao hơn khi khả năng đối thoại của địa phương thực sự yếu kém. Người dân lên cơ quan hành chính chất vấn thì các quan chức chịu trách nhiệm tìm cách né tránh và ít khi giải đáp một cách thỏa đáng những yêu cầu từ phía người dân.

Thứ tư, từ phía người dân, vẫn tồn tại nhiều trường hợp kê khai không đúng với thực tế và sự hiểu biết còn hạn chế. Một số báo đã đưa tin có sự tiếp tay từ cán bộ thôn, xóm nên có một số trường hợp người buôn bán dưa cà ngoài chợ vẫn được bồi thường, trong khi lao động liên quan đến biển lại không. Việc này những mâu thuẫn và kiện cáo diễn ra phức tạp. Nhiều người dân đi đòi quyền lợi mà không hề tiếp cận những văn bản liên quan, dẫn đến việc những người tiếp nhận không hiểu rõ. Trên thực tế, nhiều cán bộ cấp xã khi người dân đưa ra Quyết định 1880 để đòi hỏi thì họ mới công nhận là không hề biết văn bản này(!). Chuyện này không hiểu nguyên nhân từ việc yếu kém, lơ là của cấp địa phương hay là lí do khac, nhưng hiện tại Quyết đinh bổ sung 309, một quyết định quan trọng liên quan đến việc bồi thường lại không hề tồn tại trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong khi các văn bản khác đều có.

3. Giải pháp cho vấn đề bồi thường

Phải khẳng định rằng 500 triệu đô la là quá ít so với thiệt hại thực tế hiện tại và tương lai. Chính phủ phải thừa nhận đây là một sai lầm vì đã tự động nhận một số tiền mà không có một đánh giá định lượng cũng như tham vấn của người dân và chuyên gia. Một trong những nguyên nhân chính của quá trình bồi thường chậm chạp, hỗn loạn như hiện nay cũng bắt nguồn từ chính quyền. Tuy nhiên, năng lực của cán bộ hành chính địa phương không thể thay đổi ngay lập tức. Việc đòi thêm tiền bồi thường từ Formosa cũng là bất khả thi (!).

Với thói quen làm việc của một chính quyền toàn trị là luôn muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề, ví dụ như việc nhận 500 triệu đô tiền bồi thường mà người dân không hề được tham vấn. Chính quyền phải nhìn nhận thực sự lại vấn đề và kêu gọi sự tham gia của xã hội trong việc chi trả tiền bồi thường từ Formosa. Đầu tiên, là phải có một cơ chế giám sát minh bạch, độc lập trong việc kê khai thiệt hại. Ngoài những tổ chức thuộc đảng như các hội đoàn địa phương, sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình giám sát, hỗ trợ tiến trình bồi thường. Hiện tại, sự tham gia này không không được khuyến khích mà còn bị hạn chế, cấm đoán. Đơn cử như ít văn phòng luật sư đóng trên địa bàn Hà Tĩnh nào dám nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của dân vì mối lo bị chính quyền hỏi thăm, phiền nhiễu. Các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép cũng bỏ quên dải đất miền Trung hỗn loạn này. Các tổ chức xã hội dân sự không giấy phép thì bị chính quyền tuyên truyền xấu và ngăn cấm triệt để.

Ngoài ra, chính quyền cũng phải xem xét ban hành các quyết định chi trả đầy đủ, hướng dẫn và phân công nhân sự trực tiếp tham gia vấn đề bồi thường này. Các hướng dẫn thiếu sót, mập mờ mà với trình độ hạn chế của địa phương quá khả năng của họ. Vấn đề bồi thường hiện nay như một cái lò xo nén những bức xúc, phẫn nộ của người dân cùng với những khó khăn về đời sống gần như quá mức chịu đựng của họ.

Chính quyền đã sai lầm quá nhiều trong vụ Formosa, từ việc cấp phép, giám sát cho đến đàm phán nhận tiền bồi thường. Cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình với nhân dân qua việc bồi thường một cách công bằng có thể là cơ hội cuối cùng của họ. Một khi mất hoàn toàn niềm tin của người dân và trở thành một lực lượng tệ hại trong mắt họ, thì hệ lụy không hề nhỏ. Cái lò xo dồn nén bao nhiêu đau khổ, nước mắt và chịu đựng của triệu người dân miền Trung vốn chịu nhiều mất mát, thiên tai và nghèo khó một khi đã bung ra thì khó mà cưỡng lại được.

FB: Trịnh Anh Tuấn

Thảm họa Formosa, một năm nhìn lại - Phần 1

Chia sẻ lên mạng xã hội: