Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình luận & Nhận định. Hiển thị tất cả bài đăng
Talk show: Những câu hỏi lớn về thảm họa miền Trung 2
Chủ đề thứ hai mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn là vấn đề khắc phục thảm hoạ. Sau khi tuyên bố chính thức nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết ở miền Trung. Formosa (thủ phạm) đã bồi thường 500 triệu USD. Chính phủ đã có những hành động như thế nào để khắc phục thảm hoạ? Sau đây là chia sẻ của kĩ sư IT An Huy Hoàng và chuyên viên tư vấn tài chính Đào Thị Hương dựa trên quá trình theo dõi thông tin từ chính phủ.
Những câu hỏi lớn về thảm họa biển miền Trung số 1
Talk show: " Những câu hỏi lớn về thảm họa biển miền Trung" 1
Một năm về trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức tuyên bố nguyên nhân gây ra thảm họa miền Trung vào tháng 4/2016. Thảm họa đã giết chết khoảng 115 tấn cá dạt vào dọc dải bờ biển, 140 tấn cá và 67 tấn ngao nuôi. Còn 16 ngày nữa là tròn một năm từ tuyên bố này, nhưng cho đến nay xung quanh thảm họa vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời, hoặc thông tin vẫn không được công bố một cách rõ ràng. Chúng tôi xin được gửi đến các bạn chương trình talk show trả lời những vấn đề xung quanh thảm họa miền Trung năm 2016.
Số thứ nhất sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi về mối liên quan giữa Formosa và Trung Quốc, nó ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam? Những vi phạm của Formosa là gì? Mời các bạn theo dõi cuộc thảo luận giữa Nhà báo Nguyễn Đình Hà và Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Những câu hỏi lớn về thảm họa biển miền Trung số 2
Câu hỏi dai dẳng về Formosa đã có lời giải
Suốt thời gian qua, nhiều người đặt câu hỏi vì sao thảm hoạ Formosa để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế (hàng trăm nghìn người mất sinh kế), xã hội (tình hình an ninh trật tự bất ổn) và môi trường (hệ sinh thái biển mất nửa thế kỷ để hồi phục) nhưng không một ai, cả từ phía tập đoàn lẫn chính quyền, bị truy tố.
Trong khi đó, những người tích cực nhất phản đối Formosa dưới những hình thức khác nhau, từ xuống đường (Blogger Mẹ Nấm), đưa tin (Nguyễn Văn Hoá, Bạch Hồng Quyền) đến hỗ trợ nạn nhân đi kiện (Hoàng Bình) lại lần lượt bị khởi tố, bắt giam.
Vì sao có chuyện ngược đời như vậy?
Có thể phần nào hiểu được lý do nếu đọc một trong ba giải pháp được Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất nhằm kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm lên (sau khi quý I không được như mong đợi):
"Giải pháp thứ ba mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến là giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất là 3,5 triệu tấn thép/năm, đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP." (Trích Dân Việt)
Mà ai cũng biết kinh tế nước ta ì ạch chủ yếu là bởi quá nhiều dự án nghìn tỷ kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế quốc doanh cũng như vô số các khoản đầu tư công lãng phí.
Nghĩa là:
Nhà nước đầu tư/kinh doanh kém hiệu quả -> Kinh tế sa sút -> Tăng trưởng sụt giảm.
Để kéo tăng trưởng lên:
Tạo điều kiện cho Formosa vận hành -> Hết mực bảo vệ tập đoàn này -> Trấn áp bất kì ai phản đối Formosa.
Đơn giản là thế, công lý, nhân phẩm, môi trường đâu có chỗ. Đây là nơi chỉ có đồng tiền nói chuyện.
FB. Nguyễn Anh Tuấn ( ĐN)
Khánh ơi mày lừa dân! Trả lại tiền cho dân!
Cá đã ngả vàng, bốc mùi.
Đó là tiếng la hét phẫn nộ của hơn 20 chủ cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà (Hà Tĩnh), mỗi lần họ kéo đến Ủy ban Nhân dân tỉnh hay nhà riêng của Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh để đòi tiền bồi thường liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra.Ít ai biết chuyện những cơ sở đông lạnh hải sản đang khẳng định mình là nạn nhân không chỉ của Formosa mà còn của những lừa mị từ phía nhà nước.
ĐỘNG VIÊN DOANH NGHIỆP MUA HẢI SẢN GIÚP DÂN
Hai xã Thạch Kim và Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, có khoảng 50 doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh kho đông, kho lạnh. Hàng năm, những cơ sở này thu mua một lượng hải sản rất lớn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chính vì thế, khi thảm họa môi trường bắt đầu ở miền Trung vào đầu tháng 4 năm ngoái, ít nhất bốn tỉnh đã chịu thiệt hại nặng nề, và các cơ sở đông lạnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề theo.
Điều đáng nói là chuyện xảy ra khi chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh (gồm Chủ tịch Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn) và UBND huyện Lộc Hà đã trực tiếp đến hiện trường – cảng cá Thạch Kim – để vận động doanh nghiệp trên địa bàn thu mua hải sản giúp dân nhằm đảm bảo an ninh trật tự trước cuộc bầu cử.
Theo phản ánh, lãnh đạo đã kêu gọi, kèm với lời hứa hẹn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi các cơ sở đông lạnh bỏ tiền tỷ để mua hải sản cho đến nay, họ không nhận được một đồng nào từ các cấp chính quyền.
Trước thời điểm xảy ra thảm họa, các kho đông lạnh đang còn tồn đọng hơn 1.131 tấn cá, mực với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng. Số hải sản này còn chưa tiêu thụ, họ đã mua thêm hàng trăm tấn nữa, theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh và huyện.
… RỒI LỜ CHUYỆN HỖ TRỢ
Lá đơn kiến nghị đầu tiên của 21 cơ sở đông lạnh, đề ngày 23/8/2016, nêu rõ:
“Chúng tôi đã tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như tin tưởng vào con người và lời nói của các lãnh đạo tỉnh và huyện (bồi thường 100% giá trị hàng hóa thu mua được nếu bị tiêu hủy, bồi thường 30% giá trị hàng hóa mua được do chênh lệch giá), chúng tôi đã chấp hành, chung tay thu mua hầu hết các sản phẩm của các tàu thuyền đánh bắt được nên đã góp phần rất lớn làm ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cũng như tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi bám biển…”.
“Các sản phẩm thủy sản được thu mua trước và sau khi xảy ra sự cố môi trường biển ở 20 kho đông lạnh đến nay không tiêu thụ được, gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở đông lạnh như: kinh phí chi trả tiền điện, lãi suất vay vốn lưu động quay vòng, lãi suất hàng tháng ngân hàng, các khoản vay vốn ngân hàng đến hạn không thể trả được…”.
Ông Nguyễn Viết Long, chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ (xã Thạch Bằng), là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông kể lể: “Riêng cái kho này tôi đầu tư 9 tỷ 700 triệu, còn tiền hàng là 11 tỷ 600 triệu. Mỗi tháng tôi trả cho công nhân trung bình 5 triệu đồng/người – bây giờ thì chẳng còn tiền mà trả họ nữa nên vợ chồng phải tự thay nhau làm. Ngoài ra, còn tiền điện, tiền nước, máy móc thiết bị… cũng phải trên 150 triệu đồng một tháng. Mà doanh nghiệp thì đang tê liệt. Hiện tôi vẫn còn nợ ngân hàng. Trong khi tiền Formosa bồi thường thông qua nhà nước thì chúng tôi không nhận được một xu. Thế thì lấy đâu ra mà trả ngân hàng được, phá sản là chắc rồi”.
Hộ ông Long chỉ là một trong gần 50 cơ sở đông lạnh ở huyện Lộc Hà đang phá sản. 21 cơ sở trong số này đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp, gồm Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thủy sản. Bốn đơn kiến nghị tập thể đã được gửi trong tháng 8, tháng 9, tháng 10/2016 và tháng 1/2017 (về sau, số cơ sở tham gia khiếu nại có lúc tăng lên tới 36).
Ngoài ra, họ còn hàng chục lần đến UBND huyện, UBND tỉnh, nhà riêng lãnh đạo tỉnh, rồi “lên Trung ương”, nhưng không có kết quả. Cán bộ các nơi đều chỉ hứa hẹn “sẽ xem xét giải quyết cho bà con” nhưng là hứa miệng, không thể hiện bằng văn bản, cũng không nói là bao giờ sẽ làm.
Ông Nguyễn Viết Long ôm đầu: “Thật sự là chúng tôi không biết phải làm thế nào. Nói về hướng xử lý thì cơ quan chức năng chưa cho hướng nào cả. Từ sau Quyết định 1880 của Thủ tướng, hết Bộ Công Thương rồi lại Bộ Nông nghiệp hẹn tháng 11, rồi tháng 12 sẽ đền bù, nhưng bây giờ tháng 3 rồi mà trong tay dân vẫn không có đồng nào. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhiều nơi. Thanh tra Chính phủ gọi về yêu cầu UBND tỉnh giải quyết, tỉnh lại bảo ‘sẽ xem xét’. Cứ đá qua đá lại như vậy, chúng tôi biết trông cậy vào đâu?”.
DOANH NGHIỆP THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP
Khi được hỏi, lãnh đạo tỉnh có cam kết bằng văn bản khi kêu gọi doanh nghiệp thu mua hải sản giúp dân không, ông Nguyễn Hồng Phượng, chủ cơ sở đông lạnh Hải Phượng, bực bội: “Đó, bây giờ hắn cũng hỏi y hệt vậy. Hồi đó chính quyền kêu gọi bằng miệng chứ đâu có văn bản, mà là Chủ tịch tỉnh với Phó chủ tịch tỉnh đứng ra vận động, dân chẳng lẽ không tin? Họ nói bà con cố gắng mua hải sản cho ngư dân để giúp đảm bảo an ninh, hứa là sẽ bù lại, dân chẳng nhẽ không tin? Họ cứ nói thế, không văn bản, không giấy tờ gì. Bà con ở đây thì tin tưởng lắm, cứ ngỡ chủ tịch tỉnh nói thì chắc chắn đúng. Cuối cùng, không hỗ trợ gì mà trái lại, còn làm chúng tôi phá sản”.
Hiện tại, các cơ sở đông lạnh vẫn đang ăn vào vốn, và vẫn phải tiếp tục duy trì hệ thống kho đông kho lạnh. Một phần lý do, như ông Nguyễn Viết Long nói, là “phải bảo quản để giữ hiện trạng, chứ không thì cơ quan chức năng lại hỏi ‘cá đâu rồi’, ‘có đúng mua rồi không’, thế này thế khác”.
Lý do thứ hai, đáng lo ngại hơn, là thực ra cũng không có phương án tiêu hủy. Một số loài cá như cá nục gai, nục sô, bạc má, chỉ cần tiếp xúc với không khí bên ngoài 1-2 tiếng là phân hủy, bốc mùi hôi thối, cho nên phải duy trì bảo quản đông lạnh liên tục. Nhà ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở Huy Lộc, còn giữ tới hàng chục thùng gỗ, chứa hơn 42 tấn sứa từ đầu hè năm ngoái đến nay, không vứt đi đâu được. Sứa đã phân hủy, bốc mùi rất nặng sang cả nhà hàng xóm.
Ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở Huy Lộc, bên những thùng sứa đang phân hủy,
gây ô nhiễm môi trường.
Phẫn uất và tuyệt vọng, các chủ cơ sở đông lạnh đã vài lần mặc áo tang, kéo đến nhà riêng Chủ tịch tỉnh đòi chất vấn, nhưng không được tiếp. Thậm chí, họ tố cáo công an mặc thường phục xua đuổi họ và khiêng một số người, kể cả phụ nữ, lên ô-tô chở đi nơi khác.Có thể nói toàn bộ câu chuyện này xuất phát từ việc thiếu một sự tham vấn đầy đủ, ngay từ đầu, của chính quyền đối với người dân. Không lắng nghe, không tham vấn thì chẳng nhà nước nào có thể tính toán được hết những thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu.
Cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền có giải pháp nào cho vấn đề hiện nay của các chủ cơ sở đông lạnh – một trong những đối tượng bị thiệt hại trực tiếp trong thảm họa môi trường biển.
- Đoan Trang -
Khi bắc cực không còn băng
Những bức ảnh chụp gấu bắc cực đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu đã giúp nhiếp ảnh gia được giải thưởng của năm từ National Geographic, trong danh mục "Những vấn nạn môi trường". Các bạn có thể xem những bức ảnh trong album này tại đây: http://www.pattywaymire.com/Polar-Bears-of-Alaska/
Năm 2016 vừa qua là năm nóng nhất trong kỷ lục từ trước đến nay mà các nhà khoa học đo lường được ở Bắc Cực (http://arctic.noaa.gov/Report-Card). Nhiệt độ trong không khí cao hơn 2 độ so với thời điểm lịch sử "nóng nhất" vào khoảng năm 1981 - 2010, khoảng thời gian xảy ra sự kiện El Nino. Kể từ năm 1900, nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng trung bình khoảng 3.5'C, và điều này có nghĩa là nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với sự tăng nhiệt độ toàn cầu.
Năm 2016 cũng được đánh dấu là năm mà băng ở Bắc Cực có trạng thái mỏng nhất, và những tảng băng ở Greenland cũng tan sớm hơn so với thường lệ.
Biến đổi khí hậu (Climate change) thường bị hiểu nhầm nó chỉ đơn giản là sự nóng lên toàn cầu (global warming). Nhưng thực ra không phải thế. Sự nóng lên của trái đất chỉ là một hiện tượng của sự biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mang lại sự bất ổn của thời tiết, khi thì cực nóng, khi thì cực lạnh, nơi thì hạn hán kéo dài, nơi thì lụt lội triền miên...và hậu quả của nó chính là sự xâm lấn của nước mặn, băng tan, nước biển dâng cao, sự sinh sôi nảy nở của những loài côn trùng như ruồi muỗi, mang lại dịch bệnh cho con người và động vật..v.v..
Dạo gần đây tớ thấy nhiều bạn trẻ chia sẻ những bài viết của một cá nhân người Việt nhận xét về chính trị nước Mỹ, và đưa ra những thông tin Không - Phải - Thông - Tin - Khoa - Học để làm luận chứng cho việc....đảng dân chủ Mỹ bịa đặt ra việc thay đổi khí hậu để ăn tiền thuế của dân. Tớ muốn nói lại với các bạn - những bạn trẻ - đọc - gì - cũng - tin rằng, khi các bạn đọc một thông tin, bất cứ đó là tin gì, hãy suy nghĩ đến tính xác thực của nó.
Biến đổi khí hậu hay sự nóng lên toàn cầu là có thật hay không? Hãy nhìn xung quanh mình, chỉ cần nhìn ở riêng Việt Nam này thôi, bạn thấy thời tiết như thế nào? Đã bao nhiêu năm rồi chúng ta có thể mặc áo phông vào ngày tết ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc? Bạn có xem tin trên tv về việc nước mặn xâm lấn ở nhiều khu vực đồng bằng sông Cửu Long không? Bạn có thấy thông tin trên tv về việc băng vỡ và tan ở Bắc cực không? Chỉ những thông tin đơn giản mà chính bản thân bạn cũng có thể cảm - và nhận ấy thôi, rồi hãy thử tìm tòi đọc hiểu trên google, tìm những thông tin về biến đổi khí hậu từ những trang thông tin khoa học chính thống (NASA: http://climate.nasa.gov/evidence/) và đọc - hiểu - tự bổ sung kiến thức cho chính bản thân mình.
Sự sinh tồn của chúng ta và các sự sống khác trên trái đất hiện nay đang phụ thuộc vào con người chúng ta. Vì vậy đừng để bị dắt mũi như những con cừu non ngu ngốc trước những thông tin giả dối trên mạng xã hội.
- Trang Nguyen -
Sự khởi đầu của tiểu Kỳ Băng Hà
Kỷ băng hà mới bắt đầu từ mùa Đông năm nay do biến đổi khí hậu?
Các nhà khoa học cho rằng mùa Đông năm nay có thể là sự khởi đầu của tiểu Kỷ băng hà, với hậu quả của nó là hiện tượng nóng lên trên toàn cầu sẽ được thay bằng giá lạnh nghiêm trọng.
Theo Sputniknews, các nhà khoa học từ Đại học Anh Northumbria cho rằng mùa Đông năm nay có thể là sự khởi đầu của tiểu Kỷ băng hà, với hậu quả của nó là hiện tượng nóng lên trên toàn cầu sẽ được thay bằng giá lạnh nghiêm trọng trong những thập kỷ tới.
Đỉnh điểm của giá lạnh, theo các nhà nghiên cứu khí hậu, có thể xảy ra trong vòng khoảng 10 năm nữa.
Như các nhà khoa học khẳng định, biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta liên quan trực tiếp đến hiện tượng ví dụ như vết đen trên Mặt trời.
Trong những thời kỳ tập trung tối đa các hiện tượng xuất hiện những cá thể thiếu ổn định, nhiệt độ trên Trái Đất bắt đầu tăng.
Hiện nay, số lượng các vết đen mặt trời đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thời gian dài.
- Vietnam+ -
Vứt rác nhựa đi - Chúng đi về đâu?
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu này đã tính toán rằng, khoảng 99% lượng vi nhựa bị đưa vào cơ thể sẽ được thải ra, tuy nhiên 1% còn lại được hấp thụ trực tiếp vào cơ thể con người. Nếu tình trạng rác nhựa trôi nổi ở biển và đại dương vẫn tăng nhanh như hiện nay, vào cuối thế kỷ này, một người thường xuyên ăn hải sản sẽ tự đưa vào cơ thể khoảng 780,000 mẩu vi nhựa, và cơ thể người đó sẽ hấp thụ khoảng 4000 mẩu vi nhựa. Tác động của những mẩu nhựa này đối với sức khỏe con người như thế nào, mọi người tự ngẫm sẽ rõ.
Những chú hàu, trai hay những loài động vật biển hoạt động như máy lọc nước của biển, chúng lọc khoảng 20 lít nước biển mỗi ngày. Và cũng vì thế mà chúng đưa vào cơ thể nhiều hạt vi nhựa hơn bất cứ loài sinh vật biển nào khác. Khi rác nhựa tràn đầy đại dương, đây chính là loài động vật phải chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm rác nhựa lớn nhất.
Hiện nay, các nhà khoa học ước tính có khoảng 5000 tỷ mẩu vi nhựa trôi nổi trên đại dương, tương đương với khoảng một chiếc xe tải nhựa bị ném vào đại dương mỗi phút. Vào năm 2050, với tình trạng tiêu thụ và sử dụng nhựa như hiện nay, con số này sẽ tăng gấp 4!
Cùng mong mọi người trong năm mới, hãy hạn chế tối đa rác thải nhựa khi có thể. KHÔNG sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần, như màng bọc thực phẩm, túi nilon, thìa dĩa đĩa nhựa...v.v... Đây chính là những hành động đơn giản và thiết thực mà chúng ta ai cũng có thể làm để bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta - chứ chưa nói đến bảo vệ môi trường. Hãy biết lo sợ khi nhìn thấy rác thải nhựa tràn ngập đường phố và đại dương, chính chúng ta đang tự đầu độc chúng ta bằng thói quen sử dụng đồ nhựa một cách vô tội vạ!
Tranh thủ nghỉ tết, nếu bạn muốn xem những bộ phim tài liệu về vấn đề rác nhựa, tớ gợi ý 2 phim:
A Plastic Ocean: https://www.youtube.com/watch?v=6zrn4-FfbXw
Trashed: https://www.youtube.com/watch?v=5z2s_klZkFg (trailer).
Full documentary: https://www.youtube.com/watch?v=dMHgyz1AMtM
- Trang Nguyen -
Quy hoạch nhiệt điện tới 2030 - Nỗi kinh hoàng của môi trường sống
Từ năm 2016 đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 80 nhà máy* nhiệt điện, với tổng công suất 45.895MW
Riêng Vũng Áng sẽ có thêm 9 tổ máy, với công suất 4.100MW.
Ai cũng biết nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện đốt than nguy hại như thế nào đối với môi trường không khí, cũng như môi trường nước, môi trường đất của một quốc gia. Chính vì vậy đa phần các quốc gia hiện nay đã và đang giảm thiểu số lượng các nhà máy nhiệt điện và tăng tỷ trọng các nhà máy điện tái tạo trong quy hoạch tổng thể.
Vậy, với Việt Nam thì sao? Chúng ta quy hoạch gì cho chính tương lai của chúng ta?
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, xét đến 2030 (gọi tắt là quy hoạch điện 7). Theo đó, từ năm 2016 tới năm 2030, cả nước sẽ có thêm 80 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất thiết kế lên tới 45.895MW – chiếm tỷ trọng 48% trong tổng số 96.062MW công suất phát điện được phê duyệt. Trong khi đó tính đến 2030, tổng công suất dành cho năng lượng tái tạo (đã bao gồm cả thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, …) chỉ là 25.727MW, chiếm 27% tổng công suất phát điện. Như vậy, trong quy hoạch dài hạn của quốc gia tới năm 2030, 73% nguồn năng lượng phục vụ cho nhu cầu cả nước sẽ đến từ nhiệt điện và các nguồn không tái tạo khác.
Đặc biệt, riêng tại khu vực Vũng Áng, sẽ có thêm 9 nhà máy* đi vào hoạt động từ năm 2016 (chưa kể các nhà máy đã hoạt động từ 2015 trở về trước).
Đây là một bản quy hoạch kinh hoàng cho môi trường Việt Nam, khi trung bình, cứ mỗi năm sẽ có thêm 5,33 nhà máy* nhiệt điện ra đời.
Để các bạn dễ hình dung, thì so sánh với nhiệt điện Vũng Áng 1 lớn nhất Việt Nam, công suất 1,200MW, thì từ năm 2016 tới 2030 chúng ta sẽ có thêm hơn 38 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 nữa được xả khói trên khắp cả nước.
Một con số khủng khiếp với môi trường sống, và tương lai của chúng ta!
(*): Nhà máy: Bao gồm các nhà máy riêng lẻ và các nhà máy cùng tên nhưng được đầu tư theo nhiều giai đoạn.
Lựa chọn cách ứng xử với môi trường
Năm 2016 là năm ghi nhận nhiều thảm họa môi trường, điều ấy như một lời cảnh tỉnh về cách lựa chọn của chúng ta đối với việc phát triển kinh tế xã hội trong cả một giai đoạn dài. Lúc này, thay vì chỉ chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần hành động quyết liệt để biến những cam kết phát triển bền vững trở thành hiện thực, bắt đầu từ lựa chọn cách ứng xử với môi trường.
Môi trường đã quá ngưỡng chịu đựng
Năm 2016 là một năm ghi nhận nhiều sự cố về môi trường, trong đó có sự cố xả thải, gây ô nhiễm biển nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền Trung của công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Thực trạng nhức nhối hiện nay có bắt nguồn từ việc, trong suốt thời gian dài, chúng ta ứng xử với môi trường thiếu sự tôn trọng, thậm chí có thời điểm, có nơi còn vắt kiệt môi trường để phục vụ cho mục tiêu thoát nghèo và “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng kinh tế. Vậy nên, có thể nói chúng ta chưa tránh được “vết xe đổ” của việc trả giá đắt về môi trường cho quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.
Điều đó thể hiện ở việc, tài nguyên thiên nhiên không chỉ bị khai thác không bền vững, mà sử dụng cũng không hiệu quả. Khoáng sản bị khai thác để xuất khẩu, thiếu kiểm soát, gây suy thoái môi trường ở các khu vực khai thác. Đất đai bị thâm canh tăng năng suất, bạc màu do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Rừng tự nhiên bị khai thác mạnh mẽ, rừng ngập mặn bị phá hủy để nuôi trồng thủy sản do đó đã giảm 67% diện tích so với năm 1943. Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ồ ạt đã gây nhiều hệ lụy như gây mất rừng, làm suy kiệt dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái, xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du. Nguồn lợi thủy sản bị suy giảm do đánh bắt quá mức, với các phương thức khai thác không bền vững…
Môi trường ở nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề do phải chứa đựng lượng lớn chất thải, vượt quá khả năng tự hồi phục. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015 cho thấy, môi trường không khí ở các đô thị lớn bị ô nhiễm bụi do hoạt động xây dựng, số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi quy hoạch và cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý mới chỉ đạt khoảng 10%; các hồ, ao, kênh mương trong các đô thị nơi chứa đựng nước thải, bị ô nhiễm nặng nề. Sau hơn 20 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta vẫn còn khoảng 25% trong tổng số 283 khu công nghiệp, 95% trong tổng số gần 900 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Khoảng 60% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu vực khai thác khoáng sản, xung quanh các nhà máy nhiệt điện, xi-măng, thép… chưa được ngăn chặn.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp, khó lường và càng ngày càng gia tăng các tác động. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đã xuất hiện nhiều cơn bão có cường độ mạnh hơn, khó dự báo hơn. Lũ lụt do mưa lớn ở miền Trung; hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đặc biệt là BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề. Có thể nói, thiên nhiên đang giận dữ và đang có những hành động đáp trả lại những tác động xấu, vô ý thức của con người lên môi trường tự nhiên, đòi hỏi con người phải có những hành động sửa chữa lỗi lầm mình gây ra.
Chọn cách quản trị hiệu quả
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và BĐKH, tháng 9-2015, Liên hiệp quốc đã chính thức thông qua và kêu gọi thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Các mục tiêu này nhấn mạnh hoạt động bảo vệ, gìn giữ môi trường, theo đó, đến 2030, các nước cần phấn đấu để đạt được sự “tách rời” giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng chứng kiến việc đạt được thỏa thuận Pa-ri về BĐKH, với cam kết có ý nghĩa lịch sử về cắt giảm phát thải các-bon, hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC vào cuối thế kỷ 21.
Các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… đã được ban hành, nhấn mạnh phát triển phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng các quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, từng bước chuyển dần sang tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp. Mục tiêu đến năm 2020 là phải kiềm chế được mức độ gia tăng và đến 2030 phải ngăn chặn, đẩy lùi được xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên môi trường. Mặt khác Việt Nam cũng cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 để chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH.
Ưu tiên trong bảo vệ môi trường hiện nay là phải đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường thông qua việc không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm. Thực hiện tổng điều tra các nguồn thải trên toàn quốc; giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, ngăn ngừa xảy ra các sự cố môi trường. Siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để hạn chế dòng công nghệ cũ, lạc hậu và chất thải tràn vào nước ta. Cần phải rà soát, đánh giá để hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, công nghệ có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, tiêu tốn tài nguyên. Đầu tư, đẩy mạnh việc quản lý, xử lý các loại chất thải; từng bước giải quyết các vấn đề môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn.
Hơn nữa cần phải chú trọng việc quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cần nhìn nhận tài nguyên là các nguồn “vốn tự nhiên” mà thiên nhiên đã ban tặng, chúng ta có trách nhiệm không được làm thâm hụt, mà phải sử dụng một cách khôn khéo, thông minh, để có thể duy trì, phát triển… Không chỉ vậy, chúng ta cần quản lý sao cho có “lãi”, nghĩa là phải có được tài nguyên môi trường tốt hơn cho các thế hệ con, cháu của chúng ta.
Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, cần phải biến tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường thành hành động
Đến lúc cần phải thực hiện quản trị môi trường hiệu quả bằng cách hoàn thiện thể chế, tăng trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quản lý tài nguyên và môi trường ở nước ta.
TS. Nguyễn Trung Thắng
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Lời khuyên từ Greenpeace
Qua quyển báo cáo về thảm họa mội trường biển gây ra bởi Formosa Steel Plant, tôi hiểu các bạn đã rất nỗ lực nhưng như vậy là chưa đủ. Các bạn mới chỉ chạy theo sự kiện và tác động vào bề nổi của tảng băng. Để thực hiện sứ mệnh của mình, các bạn nên thúc đẩy các hoạt động có chiều sâu vào hai điểm chính:
- Tác động mạnh mẽ vào hệ thống của chính phủ để thay đổi chính sách.
- Khơi dậy tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đứng trước một thảm họa môi trường kinh khủng như này mà chỉ có vài nghìn người xuống đường phản đối thì rõ là tình yêu thiên nhiên của người Việt chưa đủ lớn.
Hiện tại Greenpeace chưa đặt văn phòng tại Việt Nam nhưng chúng tôi rất quan tâm đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và sẵn lòng hỗ trợ các bạn về kiến thức cũng như những phương pháp đấu tranh để bảo vệ môi trường.
Đọc nhiều nhất
-
200 câu hỏi và trả lời về môi trường
Mời mọi người tham khảo đáp án của 200 câu hỏi về môi trường theo đường link sau: https://drive.google.com/file/d/0B1KcEgJqwSp9bnBaemw0e... -
Lợi ích của năng lượng gió với con người và môi trường
Năng lượng gió mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho các khách hàng mà còn cho cả xã hội. Một vài lợi ích có thể nhìn thấy rõ ràng như... -
245 Người dân Hà Nội gửi kiến nghị phản đối dự án Sun Grand City Quảng An - Hồ Tây
Ngày 30/9/2017, với những lời kêu gọi được đăng tải trên mạng facebook phản đối việc thi công dự án Sun Grand City Quảng An... -
Nhà văn Nguyên Ngọc " Con hổ của rừng Tây Nguyên "
Tôi tới thăm nhà văn Nguyên Ngọc vào một ngày trời rất đẹp, có chút hửng nắng tại Hội An. Trước đó thì cả tuần lúc nào trời cũng mưa tầm tã... -
Đánh đổi rừng nguyên sinh Tam Đảo II vì lợi ích kinh tế - Từ góc nhìn báo chí trong và ngoài nước
Dưới đây là nội dung được dịch từ tờ báo thevietnamese.org với tiêu đề: Tiếng kêu cứu từ rừng nhiệt đới Việt Nam. https://ww... -
Thành viên Green Trees - Cao Vĩnh Thịnh tiếp tục bị công an và an ninh Việt Nam gây sức ép
Ảnh trên trang cá nhân của Cao Vĩnh Thịnh chụp cùng ngài đại sứ quán Czech trong ngày kỷ niệm Quốc tế Nhân Quyền. Ngày 25/12/202... -
Tòa án Thượng thẩm Đài Loan tiếp tục bác đơn của gần 8.000 nạn nhân Formosa Hà Tĩnh
Họp báo trước Toà Thượng thẩm ở Đài Bắc của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hôm 17/4/2020. Photo: RFA Sáng 17-4, đại d...
Tham khảo
Phân loại
Tin môi trường
(75)
Môi trường
(43)
Tin tức
(31)
Formosa
(29)
Tin hoạt động
(28)
Sự kiện
(24)
Bình luận & Nhận định
(23)
Video
(18)
Kiến thức về môi trường
(17)
Báo cáo môi trường
(8)
Luật môi trường
(8)
Phát triển bền vững
(8)
Tư liệu
(8)
Chiến lược & Chính sách
(4)
Kinh tế xanh
(4)
Tin công nghệ
(4)
Tiết kiệm năng lượng
(3)
Tản mạn
(1)
Theo thời gian