3:00 CH - Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Dân kêu cứu vì ô nhiễm từ nhà máy giấy và sự phản bội cam kết của TGD Lee & Man


Vài ngày vừa qua, đọc tin tức về môi trường, dễ dàng nhận thấy mối lo ngại cho Môi trường đã trở lại: Nhà máy giấy Lee & Man! Điều đáng nói, nhà máy này, mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho vận hành thử trở lại vào đầu tháng 3/2017!

Lục lại hồ sơ, giấy phép, và những hình ảnh mới đây mà Ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man VN - người đích thân cùng với trợ lý của mình, đến VTC14 để bày tỏ mong muốn phát triển, xây dựng - tại nơi được ông này cho là "quê hương thứ hai" của mình, lại thấy, thêm một lần nữa, người dân Việt lại đổi mặt với một mối nguy về Môi trường!

Cam kết mới đây thôi, tôi vẫn còn lưu giữ, nhưng mới chỉ vận hành được vài ngày, Lee & Man lập tức trở thành mối lo ngại, băn khoăn của người dân. Đơn kêu cứu được đưa đi khắp nơi, bởi cuộc sống của họ bị đe dọa vì tình trạng ô nhiễm từ khi nhà máy này được phép vận hành thử trở lại. Và nực cười, theo Tuổi trẻ, trả lời vấn đề này, đại diện chính quyền địa phương lại nói "mọi thứ đều tốt"?!

Tôi không ngạc nhiên vì thứ được gọi là "đều tốt" này, bởi trước khi thảm họa cá chết trên biển miền Trung diễn ra, và thủ phạm Formosa chưa lộ mặt, mọi thứ ở Vũng Áng và Formosa cũng được trả lời là "Tốt", niềm tin của người dân, mai một dần, không hẳn là không có lý do.

Nhìn lại một chút, lý lịch của nhà máy giấy Lee & Man, để thấy sự "tốt" trong quản lý, cấp phép, kiểm soát vấn đề xử lý môi trường cho doanh nghiệp này của lực lượng chức năng Việt Nam:

Tháng 6-2007, UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy giấy và sản xuất bột giấy cho Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) với số vốn 1,2 tỉ USD.

Dự án khởi công tháng 8-2007, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2009, tuy nhiên không hoàn thành đúng kế hoạch. Chủ đầu tư điều chỉnh giảm vốn đầu tư còn 628,7 triệu USD và dự án tạm ngưng.

- Tháng 4-2011, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Tập đoàn Lee & Man yêu cầu giải trình nhiều nội dung khiến dự án bất động, đồng thời gia hạn 3 lần trong khoảng thời gian này.

- Tháng 4-2014, dự án khởi động lại rồi tiếp tục thi công trì trệ, UBND tỉnh Hậu Giang cho gia hạn lần thứ 4 đến cuối năm 2014.

- Tháng 3-2015, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục cho gia hạn lần 5 đến ngày 31-12-2016 nhà máy phải hoạt động.

- Giữa năm 2016, khi các hạng mục của dự án hoàn thành, chuẩn bị hoạt động thử nghiệm, VASEP có văn bản gửi Thủ tướng do lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”.

- Bộ TN-MT đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện Nhà máy giấy Lee & Man từ ngày 1-7-2016. Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng Nhà máy bột giấy Lee & Man.

- Tháng 12-2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Lee & Man.

- Tháng 1-2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT.

- Tháng 3-2017, nhà máy vận hành thử nghiệm trở lại. Lập tức, đơn kêu cứu của người dân được đưa tới lực lượng chức năng!

Điều đáng nói là, Nhà máy giấy Lee & Man được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt đánh giá tác động môi trường - DTM vào tháng 9 năm 2008. Trong DTM được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 155.000m3/ ngày đêm, triển khai qua 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, xây dựng nhà máy 50.000m3, và giai đoạn 2 sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải 105.000 m3/ ngày đêm, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Thế nhưng, theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, thì tháng 12 năm 2015, Bộ TNMT cấp giấy phép xả thải cho doanh nghiệp với khối lượng nước thải lớn nhất là 50.000m3/ ngày đêm. Và THỰC TẾ doanh nghiệp chỉ xây dựng nhà máy 20.000m3/ ngày đêm. Như vậy là ĐI NGƯỢC LẠI với cam kết trong DTM cũng như trong phê duyệt của lực lượng chức năng khi cấp phép cho doanh nghiệp xả thải.

Sự điều chỉnh này, cũng không được báo cáo với lực lượng chức năng, đủ thấy Lee & Man coi trọng và chấp hành pháp luật về môi trường của Việt Nam như thế nào.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang cũng nêu rõ, việc doanh nghiệp xây dựng nhà máy giấy cứng bao bì với công suất 420.000 tấn / năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng 330.000 tấn/ năm thuộc đối tượng phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường nhưng doanh nghiệp cũng không báo cáo.

Tôi nhớ, ấn tượng nhất trong cuộc phỏng vấn Ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man VN, với cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng linh hoạt, Ngay tại văn phòng của VTC14! Bởi trước khi vào cuộc phỏng vấn, tôi có trao đổi về việc ông sẽ sử dụng ngôn ngữ gì: Trung Quốc, tiếng Anh hay tiếng Việt? Người đàn ông này khôn khéo khi lựa chọn ngôn ngữ tiếng Anh - dù theo lời của trợ lý, là tiếng Anh "không được chuẩn lắm" thay vì sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Tàu. Và ông cũng khẳng khái khẳng định: không biết tiếng Việt. Thế nhưng, trao đổi trong suốt buổi phỏng vấn, có những câu hỏi xoáy từ phóng viên, bằng tiếng Việt, chẳng chờ đến phiên dịch, ông này lập tức phản pháo!

Tôi cũng nhớ những lời cam kết, mà tôi phải nhắc lại trong suốt buổi phỏng vấn, để người dân yên tâm khi nhà máy hoạt động trở lại, ông Fu cũng liên tục nói/ và khẳng định một cách vô cùng mạnh mẽ để bảo vệ môi trường nơi đây. Thế nhưng, thực tế, chẳng cần phải thời gian dài để trả lời!

Việt Nam đã mở cửa và tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Trong đó có nhiều điều kiện rất thông thoáng. Và nhiều DN nước ngoài khi hoạt động tại VN cũng đã có những cam kết mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường. Nhưng cuối cùng, khi mà họ hoạt động thì họ lại xả thải và gây tác động mạnh mẽ tới môi trường của VN. Tôi có thể kể: Vedan, Tungkuang, Formosa. Vì thế hiện tại người Việt Nam rất mất niềm tin với các cam kết bảo đảm môi trường của các doanh nghiệp.

Và ông Fu, ông cũng đã cam kết, một cách vô cùng mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông đại chúng, thế nhưng, có thể nói thế nào để cam kết của ông tạo được niềm tin của người Việt Nam? Tại sao chúng tôi phải tin Lee & Man trong khi các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư thậm chí còn hơn cả Lee & Man nhưng họ vẫn phản bội lại niềm tin mà người Việt dành cho họ? Và thực tế những gì đang diễn ra, tôi cảm nhận, hình như, thêm một lần nữa, người dân quê tôi lại bị phản bội?

- Bùi Lan Anh VTC14- 
Chia sẻ lên mạng xã hội: