Hành trình công lý - Hay là sứ mệnh của chúng ta
Đêm trước ngày đi kiện, tôi đã ngồi với người hướng dẫn gần 1000 người dân khởi kiện là linh mục Nguyễn Đình Thục. Khi nghe tin tất cả những nhà xe được thuê chở dân đi kiện đều bị đến nhà doạ dẫm, ngăn chặn và không thể thực hiện được hợp đồng, cha Thục đã nghĩ đến chuyện phải đi bộ nếu người dân quyết tâm đi kiện. Và tôi đã kể cho cha Thục nghe về Hành trình muối (Salt March) của Gandhi năm 1930 khi chống lại đạo luật về muối cho người Ấn Độ, về Hành trình Selma của Martin Luther King năm 1965 đòi quyền tự do bầu cử cho người da đen Mỹ , về hành trình đòi đất đai năm 2005 của người dân bị mất đất ở Philippines. Tôi nghĩ rằng nếu cuộc hành trình diễn ra với sự ôn hoà, đẹp đẽ thì dẫu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền của những người cộng sản không có lý do để sử dụng bạo lực với những người dân đang thực hiện cái quyền tối thiểu nhất mà những chế độ cổ xưa nhất cũng phải công nhận, đó là quyền thưa kiện khi bị người khác gây thiệt hại cho mình. Nhưng tôi đã lầm.
Suốt cuộc hành trình diễn ra, tôi ngồi trên chiếc xe ô tô của cha Thục đi phía sau đoàn do một người khác lái. Cha Thục đã xuống đi cùng đám đông đi kiện. Vì sợ người dân đi không đúng luật, gây ách tắc giao thông, cha Thục đã phải cầm loa; lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe máy để hướng dẫn đoàn đi. Theo quan sát của tôi, đoàn người đi hết sức ôn hoà, cố gắng hết mức để không gây tắc nghẽn giao thông. Điều làm tôi hết sức cảm động là cứ đi khoảng một vài km thì lại có một nhóm người dân đứng hai bên đường mang nước, bánh kẹo, đồ ăn ra tiếp sức cho đoàn. Những tấm lòng đó khiến đoàn người đi bộ trong giá lạnh, mưa phùn cảm thấy hết sức ấm lòng và vững tin vào việc làm của họ.
Vậy mà con đường đi lại trở thành một cuộc chuyến đi đầy máu và nước mắt. Buổi chiều sau khi nghỉ trưa, tôi ngồi cạnh cha Nguyễn Đình Thục bên hông nhà thờ Yên Lý nơi đoàn người dừng lại nghỉ tạm. Tôi đưa cho cha đọc bài viết của Luật sư Lê Công Định về hành trình đi kiện hôm nay. Luật sư Định cũng nói về hành trình muối của Gandhi và so sánh Gandhi với cha Thục. Cha cười và nói: "Như thế, cha bất đắc dĩ trở thành người nổi tiếng rồi!". Tôi bảo cha: "Có lẽ đó là sứ mệnh của cha rồi". Cha nói với tôi: " Chắc rằng mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh của mình".
Và lớn hơn, dân tộc nào cũng như thế. Dân tộc nào sinh ra đều có sứ mệnh của nào đó. Và quan trọng, họ phải thực hiện sứ mệnh của mình. Lịch sử đất nước này là một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một dân tộc đông đúc, thường xuyên muốn thôn tính mình. Những thế hệ cha ông đã làm xong sứ mệnh của họ. Sứ mệnh của chúng ta bây giờ là phải chịu đựng một chế độ cầm quyền dung dưỡng đầy tội ác, bất công và tàn bạo. Một nhóm người đứng đầu quốc gia luôn đặt lợi ích của cá nhân, của đảng phái của họ hơn lợi ích của đất nước, của người dân. Vì tình anh em của họ, họ sẵn sàng bỏ đi những sinh mạng của ngư dân ngày đêm bám biển đảo quê hương. Vì 16 chữ vàng, họ đục bỏ khỏi sách giáo khoa cuộc xâm lăng của giặc làm 6 vạn sinh mạng đồng bào mình nằm xuống. Vì lợi ích, họ đã để mấy trăm ngàn ngư dân chết mòn trong một vùng biển chết, và của cả thế hệ tương lai.
Và có lẽ, đó là sứ mệnh của chúng ta. Thực hiện sứ mệnh đó hay không, là lựa chọn của dân tộc này; hoặc là lụi tàn như loài cỏ dại.
FB Trịnh Anh Tuấn.